Long An: Ngành nông nghiệp chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu
Ngành Nông nghiệp Long An đã và đang xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng trên đất lúa nhằm thích ứng với tác động mạnh mẽ của BĐKH.
Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Long An, nền nhiệt độ các tháng trong năm 2023 dự báo có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm; nắng nóng có khả năng xảy ra nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình, số ngày nắng nóng trong năm 2023 xuất hiện nhiều hơn so với năm 2022.
Tình hình thời tiết năm 2023 trên địa bàn tỉnh Long An còn diễn biến phức tạp. Do đó, các địa phương cần chủ động đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến khu vực; cần theo dõi và cập nhật bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng - thủy văn, xâm nhập mặn.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, mưa lớn kèm theo giông, lốc xoáy, sét xảy ra trên địa bàn các huyện: Tân Hưng, Tân Thạnh, Cần Giuộc và thị xã Kiến Tường (Long An), làm bị thương 2 người do sét đánh (huyện Tân Hưng), sập 2 căn nhà, tốc mái 47 căn
Bên cạnh đó, gió mạnh làm ngã một số cây cối trên các tuyến đường, gãy trụ điện,... ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, trên địa bàn xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc đã xảy ra sạt lở một đoạn trên Đường tỉnh 826C ven sông Cần Giuộc làm 7 căn nhà của người dân sụt lún xuống sông.
Trước những tác động của biến đổi khí hậu, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng trên đất lúa. Ðặc biệt, việc nghiên cứu phát triển và chuyển giao các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao thích nghi điều kiện canh tác (chịu mặn, chịu hạn, chịu phèn), chế độ canh tác (ngập lụt, hạn) phục vụ sản xuất hàng hóa theo mô hình canh tác nông nghiệp thông minh.
Đồng thời, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An cũng tập trung triển khai, nhân rộng các mô hình, biện pháp canh tác hiện đại, hiệu quả cao như thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), kỹ thuật canh tác “3 giảm, 3 tăng”, kỹ thuật canh tác “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM),...
Anh Nguyễn Ngọc Tấn Đạt nông dân tại xã Phước Tuy (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) đã mạnh dạn chuyển 0,7ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang rau màu. Theo anh Đạt, mỗi năm, anh trồng từ 3-4 vụ rau màu như bầu, bí, đậu bắp, ớt,... cho lợi nhuận trung bình mỗi vụ từ 20-30 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, để chuyển đổi cây trồng hiệu quả, ngành Nông nghiệp tỉnh yêu cầu các địa phương thông tin và khuyến cáo rộng rãi đến nông dân về ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi.
Đồng thời, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An cũng chủ động định hướng giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng sinh thái. Ngoài ra, tăng cường kết nối, mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng vật tư và bao tiêu đầu ra sản phẩm cho nông dân.
“Việc sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu đang là nhu cầu tất yếu. Để các mô hình nông nghiệp bền vững, phát huy hiệu quả thì những công trình và phi công trình ứng phó với biến đổi khí hậu cũng cần triển khai hiệu quả.
Đặc biệt là vấn đề quy hoạch, lựa chọn cây trồng cần phù hợp theo điều kiện từng vùng và cần có định hướng lâu dài để bảo đảm đầu ra ổn định”, ông Thiện thông tin thêm.
Thanh Vũ