Đề xuất thu phí vào nội đô Hà Nội 87 chốt ở những đâu?
Ngành Giao thông Hà Nội đang khởi động kế hoạch đề án thu phí ôtô vào nội đô, trong đó đơn vị tư vấn đề xuất lập 87 trạm thu phí, hoạt động từ 5h đến 21h hằng ngày.
Theo báo cáo mà tư vấn trình Sở GTVT Hà Nội, 87 trạm thu phí phương tiện ra vào nội đô sẽ được lập ở các tuyến đường vành đai.
Đơn vị Tư vấn đưa ra lộ trình triển khai từ nay đến năm 2024, bắt dầu thu phí xe vào nội đô từ năm 2025. Ranh giới để xác định khu vực thu phí được giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 - Cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành Đai 3.
Để lập 87 trạm thu phí trên, đơn vị tư vấn xác định 68 vị trí và thực hiện thu phí; phân làm ba giai đoạn:
Giai đoạn 1: đơn vị được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng thí điểm 15 trạm thu phí tại 9 vị trí. Các vị trí này nằm trên các trục đường nội đô có lưu lượng lớn dễ xảy ra ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Bao gồm: Đường Giải Phóng 1 trạm; Nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi 3 trạm; nút Lê Văn Lương 3 trạm; Nút giao Big C 3 trạm; Xuân Thủy 1 trạm; Hoàng Quốc Việt 1 trạm; Nút giao Võ Chí Công 1 trạm; Nút giao đầu cầu bắc Chương Dương 1 trạm; Nút giao Nguyễn Văn Linh – Đàm Quang Trung 1 trạm.
Giai đoạn 2: đầu tư xây dựng 59 trạm thu phí tại 46 vị trí. Bao gồm: đê Nguyễn Khoái 1 trạm, Lĩnh Nam 1 trạm, Tây Trà 1 trạm, Yên Duyên 1 trạm, lối vào Gamuda 4, Tam Trinh 1 trạm, Sở Thượng 1 trạm, Hưng Thịnh 1 trạm, lối vào Trung tâm khu hành chính quận Hoàng Mai 1 trạm, Bùi Huy Bích 1 trạm, Nguyễn Hữu Thọ 1 trạm, các ngõ vào Khu Đô thị Bắc Linh Đàm 4 trạm, Kim Giang 1 trạm, Thanh Liệt 1 trạm, các ngõ 66,68,168 Nghiêm Xuân Yêm 3 trạm, Hoàng Đạo Thành 1 trạm;
Ngõ 171 Nguyễn Xiển 1 trạm, ngõ 161 Nguyễn Xiển 1 trạm, Ngõ 129 Nguyễn Xiển 1 trạm, Nguyễn Huy Tưởng 1 trạm, Ngõ 90 Khuất Duy Tiến 1 trạm, Ngụy Như Kom Tum 1 trạm, Hoàng Ngân 1 trạm, Tú Mỡ 1 trạm, Mạc Thái Tông 1 trạm, Nguyễn Quốc Trị 1 trạm, Mạc Thái Tổ 1 trạm, Dương Đình Nghệ 1 trạm;
Đường Khu Công viên Cầu Giấy 1 trạm, Tôn Thất Thuyết 1 trạm, Duy Tân 1 trạm, Ngõ 7 Phạm Hùng 1 trạm, Trần Quốc Vượng 1 trạm, nút Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến có 3 trạm thu phí xe vào nội đô, Trần Quốc Hoàn 1 trạm, Tôn Quang Phiệt 1 trạm, Trần Cung 1 trạm, Nút Tây Hồ Tây (THT) giao Đỗ Nhuận hướng đi Hoàng Quốc Việt 01 trạm, 03 nhánh của Tây Hồ Tây đi Hoàng Quốc Việt 3 trạm, Nút Tây Hồ Tây giao Nguyễn Văn Huyên kéo dài 1 trạm, Xuân La 1 trạm, Nguyễn Hoàng Tôn 1 trạm, ngõ 655 Lạc Long Quân 1 trạm, ngõ 603 Lạc Long Quân 1 trạm, Ngõ Lotte và 2 ngõ thông sang Lạc Long quân 4 trạm, ngõ 689 Lạc Long Quân 1 trạm, Nút An Dương Vương đầu cầu 1 trạm.
Giai đoạn 2.2: Đầu tư xây dựng 13 trạm thu phí tại 13 vị trí, bao gồm: Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3 có 1 trạm, Vành đai 3 - Cổ Linh - Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng 1 trạm, đê Long Biên - Xuân Quan 1 trạm, cầu Đông Trù 1 trạm, chân đê Ngọc Thụy 1 trạm, đường Lý Sơn vào khu đô thị Thượng Thanh 1 trạm;
Nút giao trung tâm Quận Long Biên 1 trạm, lối rẽ từ đường Nguyễn Văn Linh vào sân Golf Long Biên 1 trạm, Nút giao Huỳnh Tấn Phát 1 trạm, nút giao Thạch Bàn 1 trạm, ngõ 68 Nguyễn Văn Linh 1 trạm, nút giao cầu Thanh trì 1 trạm, nút giao Vành đai 3 với đường nối Lê Trọng Tấn 1 trạm.
CÁC ĐỐI TƯỢNG THU PHÍ VÀ ĐỐI TƯỢNG ƯU TIÊN
Để tiến hành thu phí giảm ùn tắc giao thông, tư vấn đề xuất xây dựng các cổng thu phí dựa trên khảo sát suất đầu tư cổng thu phí trong Báo cáo đề xuất dự án “Thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông tại TP.HCM” do Công ty CP công nghệ Tiên Phong (ITD) lập năm 2017, và được so sánh với suất đầu tư cống thu phí không dừng của Công ty ELCOM.
Cụ thể, tổng mức dự kiến đầu tư cho 87 trạm thu phí đặc tại 68 vị trí khoảng 2.646 tỷ đồng, gồm chi phí đầu tư ban đầu và chi phí thay thế các thiết bị hết khấu hao, chưa tính chi phí vận hành khai thác.
Về công nghệ thu phí, Sở GTVT nêu rõ, sẽ áp dụng công nghệ số hóa với phương tiện giao thông trên phạm vi cả nước, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu về phương tiện giao thông trên toàn quốc gắn với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để có thể thực hiện được thu phí phí không dừng và xử lý vi phạm bằng hình ảnh (phạt nguội) đảm bảo không ùn tắc giao thông tại khu vực thu phí.
Đảm bảo điều kiện về cơ sở hạ tầng và phương án quản lý thu phí lập dự án đầu tư xây dựng các trạm thu phí và xây dựng phương án tổ chức quản lý thu, chi và sử dụng nguồn thu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện việc đầu tư xây dựng theo quy định.
Qua đó, sẽ áp dụng công nghệ thu phí hiện đại không dừng kết hợp giữa công nghệ nhận diện vô tuyến RFID (công nghệ chính để thực hiện thu phí có độ chính xác cao) và công nghệ tự động nhận dạng biển số ANPR (công nghệ hỗ trợ cho công tác xử lý vi phạm) qua hệ thống Camera giám sát tự động để phát hiện xe không nộp phí, phục vụ công tác truy thu phí và xử lý hành vi không nộp phí.
Bên cạnh đó, tích hợp được với công nghệ thu phí không dừng, thống nhất với việc thu phí tại các trạm BOT, cầu đường trên địa bàn TP.Hà Nội và phạm vi cả nước, thuận tiện cho người điều khiển phương tiện.
Lộ trình thực hiện, dự kiến HĐND TP. Hà Nội thông qua đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông" tại kỳ họp cuối năm 2021 về loại phí và khung phí.
Từ năm 2022 - 2023, Hà Nội sẽ hoàn thiện các điều kiện thu phí. Xây dựng dự án đầu tư trạm thu phí. Phương án tài chính, quản lý chi phí, xác định cụ thể mức thu phí và các chính sách miễn giảm cụ thể cho các đối tượng thu phí.
Năm 2024, trình HĐND TP.Hà Nội ban hành mức thu phí cụ thể và các chính sách miễn giảm phí theo dự án đầu tư được duyệt và tổ chức thực hiện sau khi HĐND TP.Hà Nội quyết định trong năm 2024.