0915 15 67 76 [email protected]
Thứ sáu, 24/09/2021 10:23 (GMT+7)

Đề xuất bãi bỏ 1 số phí thẩm định về xả nước thải vào nguồn nước

Bộ Tài chính vừa có công văn lấy ý kiến 2 dự thảo Thông tư, nội dung đề xuất sửa đổi một số mức phí liên quan đến môi trường.

Bãi bỏ một số phí thẩm định về xả nước thải vào nguồn nước
Đề xuất bãi bỏ phí thẩm định đề án, báo cáo xả nước thải vào nguồn nước - Ảnh minh họa

Theo đó, Dự thảo Thông tư đề xuất bãi bỏ mức thu phí thẩm định đề án, báo cáo xả nước thải vào nguồn nước; phí thẩm định đề án, báo cáo xả nước thải vào nguồn nước đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản; phí thẩm định hồ sơ đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép xả thải vào nguồn nước được quy định tại Thông tư số 270/2016/TT-BTC.

Dự thảo bổ sung mức thu phí bằng 50% mức phí hiện hành đối với trường hợp thẩm định hồ sơ đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất, nước mặt; 30% mức phí hiện hành đối với trường hợp thẩm định hồ sơ đề nghị gia hạn, điều chỉnh giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định một số mức thu phí như sau: Thẩm định đề án thăm dò nước dưới đất, mức thu phí từ 7,6-16,4 triệu đồng/hồ sơ.

Đối với thẩm định báo cáo kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất, mức thu phí từ 9,4-17 triệu đồng/hồ sơ. Thẩm định báo cáo hiện trạng khai thác nước dưới đất, mức thu phí từ 8-18,4 triệu đồng/hồ sơ. Thẩm định hồ sơ, điều kiện hành nghề khoan nước dưới đất quy mô lớn, mức thu phí 3 triệu đồng/hồ sơ.

Đối với thẩm định đề án, báo cáo khai thác sử dụng nước biển, mức thu phí từ 12,8-28,8 triệu đồng/hồ sơ.

Cục Quản lý tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức thẩm định và thu phí theo quy định tại Thông tư này.

Tổ chức thu phí phải nộp 100% tiền phí thu được vào ngân sách Nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động thẩm định, thu phí do ngân sách Nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Tổ chức thu phí thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí thì được trích để lại 50% trên tổng số tiền phí thẩm định thực thu được để chi cho hoạt động thẩm định, thu phí và nộp 50% vào ngân sách Nhà nước.

Các mức phí trên sẽ tính theo lần thẩm định cấp/cấp lại giấy phép môi trường và không bao gồm chi phí đi lại của đoàn kiểm tra thực tế tại cơ sở và chi phí lấy mẫu, phân tích mẫu chất thải theo quy định.

Trường hợp các dự án/cơ sở đề nghị cấp/cấp lại Giấy phép môi trường trong đó có lồng ghép nhiều nội dung đề nghị cấp phép gồm thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại, nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và các nội dung khác, mức phí được xác định là mức phí đối với dự án/cơ sở cao nhất quy định tại các điểm 1, 2, và 3 Biểu mức thu phí thẩm định cấp Giấy phép môi trường.

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất bãi bỏ 1 số phí thẩm định về xả nước thải vào nguồn nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới