Để tài sản trí tuệ mang tên địa danh phát huy tối ưu sức mạnh
Tài sản trí tuệ gắn với địa danh như “mỏ vàng” tiềm năng làm động lực phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng không ít chủ sở hữu sau khi được cấp nhãn hiệu đang đem về cất “vàng trong tủ kính”.
Nông nghiệp nở rộ đăng ký xác lập tài sản trí tuệ mang tên địa danh
Việt Nam có tiềm năng vô tận từ xác lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ mang tên địa danh. Tiềm năng này có thể trở thành động lực nâng tầm thương hiệu, tăng sức cạnh tranh, từ đó phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Tính đến hết tháng 5/2022 tại Việt Nam số lượng văn bằng bảo hộ cấp cho các chủ sở hữu sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nông nghiệp có tỉ lệ cao so với số đơn đăng ký. Cụ thể nhãn hiệu tập thể có 1666/2086 đơn; nhãn hiệu chứng nhận có 565/693 đơn. Chỉ dẫn địa lý tổng số 115/139 đơn.
Số được cấp bảo hộ cao so với tỷ lệ đầu vào, tuy nhiên điều đó chỉ mới đáp ứng được nhu cầu bảo vệ.
Đại diện Cục Sở hữu Trí tuệ văn phòng miền Trung – Tây Nguyên, thông tin:
“Hiện các địa phương đã làm tốt việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ gắn với địa danh thông qua nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý. Song nhiều sản phẩm trí tuệ đang dừng lại ở việc nhận văn bằng bảo hộ và chưa phát huy hết vai trò của sở hữu trí tuệ”, PGS.TS Đoàn Đức Lương, Hiệu Trưởng Đại học Luật – Đại học Huế chia sẻ.
Theo luật sư Nguyễn Văn Tứ, thời gian qua Quảng Ngãi cũng như các địa phương khác đã tập trung thúc đẩy xác lập nhãn hiệu tập thể với số văn bằng bảo hộ đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp tương đối nhiều. Chủ yếu các sản phẩm hàng hóa đăng ký nhãn hiệu tập thể thuộc nhóm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chưa có sản phẩm dịch vụ chuyên phục vụ du lịch.
Đến năm 2020, Quảng Ngãi có 34 nhãn hiệu tập thể gắn địa danh được cấp. Từ tháng 7/2020, Quế Trà Bồng và Tỏi Lý Sơn được các chủ đơn hủy văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể để đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Nhờ phát huy sức mạnh của sản phẩm được bảo hộ, bước đầu một số sản phẩm tăng trưởng khá, như: Chả cá Lý Sơn của HTX dịch vụ thương mại Lý Sơn Xanh, Nếp ngự Sa Huỳnh của HTX nông nghiệp Phổ Châu … Tạo tiền đề cho thành viên mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập từ nghề truyền thống. Nhắc tới Lý Sơn người ta nhớ thương hiệu chả cá ngon nổi tiếng … khiến người dân xã đảo rất tự hào.
Thạc sĩ Hoàng Lan Phương, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra cơ hội khi sản phẩm được cấp độc quyền nhờ phát hiện, sớm xác lập và được bảo hộ mà giá trị nông sản tự động nâng lên. Ở tỉnh Quảng Ninh, ban đầu 180.000 đ/kg gà bản địa sau đó được cấp nhãn hiệu nâng lên 300.000đ/kg.
Chưa chú trọng quản lý, khai thác sức mạnh
Luật sư Nguyễn Văn Tứ, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng chỉ ra thực trạng lãng phí nguồn tài sản trí tuệ khi chưa khai thác phát huy hiệu quả tương xứng với giá trị sản phẩm nói chung mà Quảng Ngãi là trường hợp điển hình.
Hiện nhiều chủ sở hữu tài sản trí tuệ còn lúng túng trong quản lý khai thác. Luật sư Tứ lấy dẫn chứng vấn đề muối Sa Huỳnh (tỉnh Quảng Ngãi). Mặc dù muối Sa Huỳnh đã được cấp văn bằng bảo hộ từ năm 2011 nhưng còn được ít người biết đến, quy mô không được mở rộng, số lượng không tăng, đời sống diêm dân Sa Huỳnh khó khăn. Nguy cơ nghề khai thác muối mai một.
Ngoài ra, một số chủ sở hữu, các thành viên nhãn hiệu tập thể không muốn sử dụng logo, nhãn hiệu đã được bảo hộ cho sản phẩm hàng hóa.
“Tại sao bán hàng độc lập được mà tôi phải chia sẻ bí quyết kinh doanh cho các thành viên khác?”, “Bán một mình dễ hơn nhiều so với nhiều người cùng bán chứ?”. Nhiều người được sử dụng nhãn hiệu tập thể đã hỏi tôi như vậy khi được khảo sát lấy ý kiến”, Luật sư Tứ nói về tâm lý lo lắng của các thành viên.
Đó không phải chuyện riêng Quảng Ngãi, nhiều tài sản trí tuệ của địa phương khác cũng đang gặp khó khăn trong quản lý khai thác. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị có: Chỉ dẫn địa lý “Nón lá Huế”, “Tinh dầu tràm Huế”, “Tỏi Lý Sơn”” và hàng trăm nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể như: Bún bò Huế, Chè Ô Long…
Các chuyên gia cũng nhìn nhận vấn đề lớn của khâu quản lý tài sản trí tuệ đang tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng uy tín chung khi cho sản phẩm ra thị trường.
Các dấu hiệu buông lỏng quản lý để thành viên sử dụng nhãn hiệu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, không kiểm soát được chất lượng đầu ra. Tự trà trộn hàng địa phương khác vào địa phương mình rồi gắn mác để bán như: Vải thiều Lục Ngạn, tỏi Lý Sơn, tiêu Tiên Phước ... thiếu nhận thức tầm quan trọng trong bảo vệ giá trị tên tuổi, thương hiệu của nhãn hiệu là chất lượng sản phẩm.
“Các chủ nhãn hiệu chỉ mới tập trung xác lập nhưng vấn đề khai thác chưa được chú trọng. Không ít người mang nhãn hiệu về đem bỏ tủ kính”, Luật sư Tứ hóm hỉnh nói.
Chia sẻ kinh nghiệm khai thác hiệu quả
Ngày 21/7, tại Đà Nẵng diễn ra hội thảo quốc gia: “Xác lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ” mang tên địa danh để phát triển kinh tế xã hội địa phương ở Việt Nam”.
“Phải tuyên truyền cho chủ sở hữu và những thành viên tự bảo vệ mình trước khi cơ quan quản lý bảo vệ. Tình trạng trà trộn hàng của địa phương khác vào địa phương đã có sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu gắn với địa danh là đang tự làm mất giá trị, tự mình tự hại mình”.
Bà Nguyễn Thị Thúy.
Nhiều đại biểu, các giảng viên, luật sư, chuyên gia sở Khoa học và Công nghệ, học viên sau đại học, các nhà hoạt động thực tiễn cùng tham dự trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm sôi nổi.
Các đại biểu mang tới hội thảo kinh nghiệm hay trong lĩnh vực này ở Việt Nam.
“Tình trạng xác lập xong để đó rất nhiều. Có những địa phương kể ra cho tôi có nhiều nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể nhưng không thấy có trên các chương trình kế hoạch phát triển”, bà Nguyễn Thị Thúy, đại diện văn phòng miền Trung – Tây Nguyên, Cục Sở Hữu Trí Tuệ tại TP Đà Nẵng cho hay.
Các đại biểu đã đề xuất nhiều nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác. Cụ thể: Chọn đối tượng đứng tên đăng ký và quản lý nhãn hiệu trí tuệ phải phù hợp; xây dựng chiến lược dài hơi; Quảng bá, phổ biến kiến thức sở hữu trí tuệ và tài sản trí tuệ rộng rãi. Đặc biệt cần nâng cao hơn nữa vai trò cơ quan quản lý nhà nước trong hỗ trợ tổ chức tập thể quản lý.
Cấp bảo hộ gắn với địa danh là việc Cục Sở Hữu Trí Tuệ đang làm tốt, tuy nhiên quan trọng hơn các địa phương và các chủ đơn phải tiếp tục quản lý và khai thác hiệu quả, nhằm mang lại giá trị tài sản trí tuệ thực.
Bảo Hòa