0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ sáu, 30/09/2022 08:48 (GMT+7)

Đẩy nhanh các dự án điện trọng điểm

Phó Thủ tướng nêu rõ hiện nay nhiều dự án điện lớn còn chậm tiến độ, cơ cấu nguồn chưa được cải thiện, phân bổ nguồn chưa phù hợp, một số cơ chế, chính sách huy động nguồn lực đầu tư, giá điện… chưa thực sự phù hợp.

Hài hòa các dự án năng lượng tái tạo

Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung rà soát, đôn đốc, trực tiếp giải quyết theo thẩm quyền các vướng mắc liên quan đến 54 dự án trọng điểm về phát triển năng lượng.

Chiều ngày 29/9, tại cuộc họp ban chỉ đạo diễn ra, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, yêu cầu cần tập trung rà soát, đôn đốc, trực tiếp giải quyết theo thẩm quyền các vướng mắc liên quan đến 54 dự án trọng điểm về phát triển năng lượng với tổng công suất trên 60.000 MW để sớm đưa vào hoạt động.

Đẩy nhanh các dự án điện trọng điểm - Ảnh 1
Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung rà soát, đôn đốc, trực tiếp giải quyết theo thẩm quyền các vướng mắc liên quan đến 54 dự án trọng điểm về phát triển năng lượng. (Ảnh minh họa)

Cùng với đó, Phó Thủ tướng nêu rõ hiện nay nhiều dự án điện lớn còn chậm tiến độ, cơ cấu nguồn chưa được cải thiện, phân bổ nguồn chưa phù hợp, một số cơ chế, chính sách huy động nguồn lực đầu tư, giá điện… chưa thực sự phù hợp.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo khẩn trương rà soát các cơ chế, chính sách liên quan đến giá điện, đấu thầu, đấu giá, đề xuất các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc hiện nay đối với các dự án năng lượng tái tạo để hài hòa lợi ích của nhân dân, nhà nước, nhà đầu tư.

Kiến nghị dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp tham gia thị trường điện

Trước đó, EVN có công văn phản hồi ý kiến liên quan đến cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp và sẽ triển khai trong tương lai.

Trong văn bản này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị, trước mắt cho phép các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp tham gia thị trường điện.

Trước đó, Tập đoàn này đã nhận được văn bản của Bộ Công Thương xin ý kiến đối với các dự án điện gió, điện mặt trời (Dự án) chuyển tiếp.

Đối với kiến nghị giao EVN đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ Công Thương ban hành đối với các dự án chuyển tiếp và các dự án sẽ triển khai trong tương lai, EVN đánh giá "không khả thi trong điều kiện tại Việt Nam".

EVN giải thích, do thời gian sẽ kéo dài và các dự án chuyển tiếp đã đầu tư ở nhiều giai đoạn khác nhau, đã thực hiện với khung giá điện không hồi tố lại được các năm trước khi đàm phán với số lượng lớn.

Bởi lẽ, việc xác định sản lượng điện bình quân năm của các nhà máy điện tái tạo phức tạp hơn các dư án điện truyền thống. Trong khi "chưa rõ cơ quan nào xác nhận và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu này".

Ngoài ra, việc đàm phán theo tổng mức đầu tư do chủ đầu tư khai báo và sản lượng điện bình quân trên sẽ phát sinh các vấn đề khó giải trình và nằm ngoài kiểm soát của EVN...

Ví dụ như, các dự án nằm cạnh nhau nhưng có giá khác nhau? Dự án vào vận hành thương mại trước có giá rẻ hơn dự án đưa vào vận hành thương mại sau?, EVN đặt vấn đề.

Từ kinh nghiệm quốc tế, EVN cho rằng, hầu hết các nước đều áp dụng giá ưu đãi FIT trong một giai đoạn nhất định sau đó chuyển sang cơ chế đấu thầu.

Trước thực tế trên, EVN kiến nghị, trước mắt cho phép các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp tham gia thị trường điện, được thanh toán theo giá thị trường điện giao ngay và không vượt quá khung giá phát điện của loại hình nguồn điện tương ứng do Bộ Công Thương phê duyệt (việc chào giá và công bố công suất từng chu kỳ giao dịch tuân thủ quy định vận hành thị trường điện).

Đồng thời, EVN đề nghị Bộ Công Thương không giao EVN đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện các dự án này. Về dài hạn, EVN đề nghị áp dụng cơ chế đấu thầu theo hai bước.

Đầu tiên là lựa chọn chủ đầu tư theo đúng Luật đầu tư mới với quyết định chủ trương đầu tư có thời hạn nhất định.

Sau một thời gian quy định, nếu chủ đầu tư không triển khai dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền thu lại dự án để giao chủ đầu tư khác.

Sau đó, các chủ đầu tư được lựa chọn tham gia thị trường điện hoặc tham gia đấu thầu để ký hợp đồng mua bán điện (PPA) và phát triển dự án, đơn vị tổ chức đấu thầu là Bộ Công Thương.

Đối với đề xuất của Bộ Công Thương về việc rà soát, xem xét lại Hợp đồng giữa EVN và Chủ đầu tư nhằm hài hòa lợi ích giữa bên bán - bên mua - người tiêu dùng điện và nhà nước đối các Dự án đã vận hành thương mại, theo EVN, do các PPA được ký hiện nay mẫu do Bộ Công Thương ban hành, căn cứ của PPA là Luật Thương mại, Luật Điện lực và Luật Dân sự. Do vậy, EVN đề nghị việc hủy bỏ hoặc điều chỉnh nội dụng của PPA phải căn cứ vào các điều khoản của PPA đã ký và các Luật trên.

Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Công Thương cũng cho biết đã tiếp tục rà soát các dự án điện mặt trời đã được chấp thuận nhà đầu tư. Hiện có 5 dự án hoặc phần dự án đã xây lắp xong nhưng chưa xác định giá bán điện với tổng công suất 452,62 MW. Đó là nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 3, dự án điện mặt trời Trung Nam 450 MW, dự án điện mặt trời Thiên Tân 1.2, phần dự án Thiên Tân 1.3 và Thiên Tân 1.4.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Đẩy nhanh các dự án điện trọng điểm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới