Đẩy mạnh hợp tác kết nối giao thương 3 tỉnh Lâm Đồng - Bình Thuận - Ninh Thuận
Những năm qua Sở Công Thương ba tỉnh: Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận đã và đang triển khai nhiều chương trình hợp tác mang lại nhiều kết quả khả quan.
Những năm qua ngành công thương 3 tỉnh đang đẩy mạnh hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực
Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, đang triển khai Kế hoạch tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình hợp tác ngành công thương 3 tỉnh Lâm Đồng – Bình Thuận – Ninh Thuận năm 2019 và ký kết thỏa thuận hợp tác năm 2020.
Theo đó, Hội nghị sẽ diễn ra vào chiều ngày 19/6/2020, tại TP. Đà Lạt. Tham dự Hội nghị, ngoài đại diện lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở Công thương và các cơ quan, đơn vị có liên quan, còn có khoảng 40 doanh nghiệp của 3 tỉnh tham gia kết nối giao thương, trưng bày, giới thiệu sản phẩm.
Nội dung của chương trình sẽ có phần báo cáo kết quả thực hiện chương trình hợp tác ngành công thương 3 tỉnh năm 2019; báo cáo tham luận của một số doanh nghiệp của 3 tỉnh; trao đổi thảo luận tại Hội nghị; ký kết thỏa thuận hợp tác ngành công thương 3 tỉnh trong năm 2020 và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ của chương trình, Ban Tổ chức còn bố trí một không gian trưng bày hàng hoá, sản phẩm của các doanh nghiệp, để giới thiệu, quảng bá và kết nối cung – cầu giữa doanh nghiệp 3 tỉnh.
Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ hợp tác phát triển ngành công thương 3 tỉnh. Tạo điều kiện để Sở Công thương 3 tỉnh trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ hợp tác cùng nhau góp phần phát triển ngành công thương, cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắt trong công tác quản lý nhà nước ngành công thương 3 địa phương.
Đây cũng là cơ hội đẩy mạnh giao thương, liên kết 3 tỉnh để phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh đầu tư, chuyển giao công nghệ, phát triển năng lực sản xuất của các địa phương theo hướng chuyên môn hoá và hợp tác hoá, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế so sánh của từng địa phương
Các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương
Có thể thấy, kể từ khi ngành Công Thương ba tỉnh thực hiện chương trình ký kết hợp tác đến nay, nhiều doanh nghiệp giữa ba địa phương đã có điều kiện tiếp xúc mạnh mẽ hơn. Các nội dung, chương trình hợp tác được lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh quan tâm chỉ đạo, qua đó đã thắt chặt mối quan hệ hợp tác trên nhiều mặt.
Đơn cử như trong lĩnh vực công nghiệp, ngoài việc tổ chức đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm về công tác quy hoạch cụm công nghiệp tập trung, di dời và hỗ trợ thực hiện di dời các cơ sở chế biến nước mắm vào cụm công nghiệp…, các địa phương còn chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều nội dung chương trình hợp tác phù hợp với lợi thế của mỗi tỉnh.
Trong lĩnh vực thương mại, các địa phương đã tổ chức chương trình kết nối thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác cũng như quảng bá thương hiệu các sản phẩm nông sản đặc thù, trong đó đối với tỉnh ta nhiều sản phẩm như: Nho, táo, tỏi, thịt dê, cừu, hàng thủ công mỹ nghệ... đã đến được với người tiêu dùng các địa phương.
Ngoài ra, Sở Công Thương ba tỉnh còn thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin về công tác lập quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch điện lực, điện gió, điện mặt trời; công tác quản lý nhà nước về năng lượng, quản lý an toàn lưới điện nông thôn; tăng cường công tác tuyên truyền về hội nhập quốc tế, giúp các doanh nghiệp nắm bắt nhanh diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp. Để chương trình hợp tác ngành Công Thương ba tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm