Ngân hàng miễn, giảm hơn 1.000 tỷ đồng phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ khách hàng
Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng (trong đó lần 1 là 517 tỷ và lần 2 là 487 tỷ).
NHNN đã có những chỉ đạo kịp thời theo thẩm quyền về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19.
Trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; triển khai nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những chỉ đạo kịp thời theo thẩm quyền về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19.
Cụ thể, NHNN đã có hai lần liên tiếp chỉ đạo Công ty cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), các ngân hàng giảm các loại phí dịch vụ thanh toán, nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán và phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến.
Đến nay, đã có 100% ngân hàng xác nhận thực hiện chính sách miễn, giảm phí cho khách hàng đối với giao dịch giá trị nhỏ (từ 2 triệu đồng trở xuống) và khoảng 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua giao dịch thanh toán liên ngân hàng 24/7 qua Napas được áp dụng miễn hoặc giảm phí.
Theo NHNN, ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng (trong đó lần 1 là 517 tỷ đồng và lần 2 là 487 tỷ đồng).
Dự kiến đến hết năm 2020, số thu phí dịch vụ thanh toán của Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm khoảng 285 tỷ đồng để hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng (TCTD) đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp trong quá trình giảm phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 3 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng trên 21% so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng số lượng giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử trong 3 tháng đầu năm 2020 tăng 81% về số lượng và tăng 145% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Nguồn: Vụ Thanh toán, NHNN.
Cũng theo báo cáo của NHNN, giai đoạn 2016-2020 tiếp tục đánh dấu bước tiến vượt bậc trong sự phát triển của hoạt động thanh toán cả về chất và lượng với nhiều sản phẩm.
Đến nay, có khoảng 78 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 49 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.
Đến cuối năm 2019, giao dịch qua kênh internet tăng 64% về số lượng giao dịch và tăng 37% về giá trị giao dịch.
Giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 198% và 210% về số lượng và giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018.
Tỷ trọng giao dịch tại ATM năm 2018 thông qua hệ thống Napas chiếm 62%, năm 2019 giảm còn 42% trong khi tỷ trọng giao dịch thanh toán liên ngân hàng năm 2018 là 26%, năm 2019 tăng lên 48%, thể hiện sự thay đổi thói quen từ việc rút tiền qua ATM phục vụ cho việc chi tiêu hàng hàng ngày bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh ngân hàng điện tử.
Đến cuối năm 2019 đã có khoảng 50 ngân hàng hoàn thành kết nối thanh toán thuế điện tử với Thuế, Hải quan trên 63 tỉnh/thành phố, 95% số thu Hải quan được thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện, doanh thu tiền điện của EVN thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%; 30 bệnh viện đã kết nối triển khai thanh toán viện phí điện tử, một số bệnh viện đã đạt 35% số lượng giao dịch thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
Đến tháng 5/2020 có 34 tổ chức không phải là ngân hàng (fintech) đã được NHNN cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm