Đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc
Dự án có hai tuyến gồm tuyến 1 kết nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội-Lào Cai với chiều dài tuyến khoảng 147km và tuyến 2 nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Hà Nội-Lào Cai với chiều dài tuyến 53km.
Sáng 27/12, tại thành phố Lai Châu, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu tổ chức Lễ khởi công dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh dự lễ khởi công.
Dự án được đầu tư bằng nguồn vay ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chính phủ Australia và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng mức đầu tư 5.339 tỷ đồng (tương đương hơn 235 triệu USD). Trong số đó, vốn vay ADB là hơn 187 triệu USD; vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia là gần 4,5 triệu USD; vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là hơn 43,5 triệu USD.
Dự án được xây dựng trên địa phận các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái.
Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án 2 là đại diện chủ đầu tư.
Quy mô dự án có hai tuyến gồm tuyến 1 kết nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội-Lào Cai với chiều dài tuyến khoảng 147km đường cấp 3 miền núi và tuyến 2 nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Hà Nội-Lào Cai với chiều dài tuyến khoảng 53 km đường cấp 4 miền núi.
Dự án có 11 gói thầu, thời gian thực hiện dự án từ năm 2021-2024. Trong số đó, gói thầu XL-08 là gói thầu đầu tiên chính thức được khởi công xây dựng ngày 27/12. Dự kiến gói thầu cơ bản hoàn thành vào 6/2024.
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án 2 cần bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án, đảm bảo chắt chẽ đúng pháp luật.
Đối với các đơn vị xây dựng, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế cần xác định rõ đây là công trình trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt với các tỉnh miền núi phía Bắc, do đó đòi hỏi mỗi hạng mục thi công đều phải đảm bảo tuân thủ đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật, huy động hệ thống máy móc thiết bị hiện đại, đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm để thực hiện dự án bảo đảm tiến độ thi công, hoàn thành và đưa công trình vào khai thác sử dụng.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái quan tâm chỉ đạo đối với các vấn đề liên quan tới giải phóng mặt bằng và mặt bằng thi công xây dựng, đáp ứng tiến độ thi công dự án.
Tại lễ khởi công, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Cơ quan đại diện thường trú Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, khẳng định Ngân hàng Phát triển châu Á đã hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong hơn 20 năm qua để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng giao thông.
Ông Andrew Jeffries cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã tạo cơ hội cho Ngân hàng Phát triển châu Á tham gia vào con đường phát triển của Việt Nam thông qua dự án này. Đồng thời, mong muốn thời gian tới Chính phủ Việt Nam tiếp tục gắn bó, đồng hành với ngân hàng trong việc hỗ trợ phát triển hạ tầng giao thông.
Ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu, nhấn mạnh dự án nhằm hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội cho các tỉnh miền núi phía Bắc.
Tỉnh Lai Châu cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công để đẩy nhanh tiến độ thi công; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kịp thời hỗ trợ chủ đầu tư giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án nhất là trong đền bù, giải phóng mặt bằng để dự án sẽ sớm hoàn thành, đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả theo mục tiêu dự án đã đề ra.
Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và các địa phương khác có liên quan về Thủ đô Hà Nội. Từ đó, nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai, giảm chi phí vận tải hàng hóa và hành khách; góp phần giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông; tăng cường khả năng liên kết giữa các tỉnh và các vùng kinh tế; tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường đảm bảo quốc phòng-an ninh của khu vực./.