0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ ba, 18/05/2021 14:14 (GMT+7)

3 tháng đầu năm, trích lập dự phòng rủi ro tại ngân hàng phân hoá mạnh

Quý 1/2021, mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng giữa các ngân hàng đang được phân hoá rõ rệt. Có nhà băng tăng 552% so với cùng kỳ nhưng cũng có nhà băng nói không với dự phòng rủi ro.

Quý 1/2021, 20/26 ngân hàng có số dư nợ xấu tăng, trong đó một số ngân hàng tăng mạnh trên 30%.

Cụ thể, ACB là ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh nhất trong quý đầu năm nay, tăng 61% lên 2.954 tỷ đồng. Tiếp đó, Vietcombank cũng có nợ xấu tăng khá 47% trong 3 tháng đầu năm lên 7.697 tỷ đồng. Nợ xấu tại MB tăng 29% lên 4.185 tỷ đồng.

3 tháng đầu năm, chỉ có 6 ngân hàng ghi nhận nợ xấu giảm: VietinBank, Sacombank, SeABank, Techcombank, BacABank, Kienlongbank.

E ngại rủi ro, ngân hàng tăng mạnh trích lập dự phòng

Thông thường, thay vì sử dụng tỷ lệ bao phủ nợ xấu chung (dự phòng chung và dự phòng cụ thể) trên nợ xấu để so sánh giữa các ngân hàng, việc so sánh quy mô khoản mục dự phòng cụ thể trên nợ xấu (có thể trích lập để xử lý nợ xấu ngay trong kỳ) phản ánh chính xác hơn khả năng xử lý nợ xấu.

Thực tế, các ngân hàng vẫn còn duy trì tỷ lệ dự phòng cụ thể/nợ xấu vẫn còn tương đối thấp. Do đó có thể thấy, các ngân hàng vẫn sử dụng biện pháp chính là dự phòng rủi ro để trích lập và chủ yếu xử lý nợ xấu.

"Chi phí trích lập dự phòng rủi ro" được nhận định sẽ là từ khoá cho lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2021, tạo ra sự phân hoá lớn. Đặc biệt dưới tác động của Thông tư 01/2020 và Thông tư số 03/2021/TT-NHNN/2021 quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thì việc trích lập dự phòng nhiều hay ít trong năm 2020 sẽ tác động không nhỏ tới lợi nhuận năm 2021.

Theo thống kê từ báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2021 tại 26 ngân hàng, có tới 15 ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro gồm BIDV (7.172 tỷ đồng); VPBank (4.453 tỷ đồng); Vietcombank (2.275 tỷ đồng); Techcombank (851 tỷ đồng); ACB (606 tỷ đồng); Sacombank (476 tỷ đồng); MSB (204 tỷ đồng);…

Trong đó, ngân hàng có trích lập dự phòng rủi ro tăng mạnh nhất gồm ACB tăng vọt 552% lên 606 tỷ đồng; PGBank cũng tăng 350%, từ 14 tỷ đồng lên 63 tỷ đồng; MSB tăng 158% lên mức 204 tỷ đồng; VIB tăng 114% lên 334 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số nhà băng khác trong kỳ này cũng đã mạnh tay tăng trích lập dự phòng rủi ro.

Chẳng hạn, nợ xấu tính đến ngày 31/03/2021 của Eximbank tăng 9% so với đầu năm, lên mức gần 2.768 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất 77%, nợ nghi ngờ lại giảm 19%. Kết quả, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng nhẹ từ 2,52% lên 2,63%.

Song song với diễn biến nợ xấu tăng do ảnh hưởng dịch Covid-19, Eximbank cũng tăng trích lập dự phòng cho các khoản vay. Quý 1/2021, Eximbank trích lập gần 319 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi cùng kỳ được hoàn nhập hơn 35 tỷ đồng. Kết quả, Eximbank báo lãi trước và sau thuế giảm 53% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn hơn 214 tỷ đồng và hơn 172 tỷ đồng.

Tương tự, nợ xấu tại LienViePostBank tính đến 31/3/2021 cũng tăng nhẹ 4% so với đầu năm, lên 2.618 tỷ đồng. Song song với nợ xấu, nhà băng này cũng mạnh tay trích lập 210 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro trong khi cùng kỳ hoàn nhập hơn 37 tỷ đồng.

Hay tại Sacombank, nguyên nhân khiến lợi nhuận chỉ tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ 2020 do quý 1/2021 chi phí trích lập dự phòng rủi ro tại Sacombank tăng 14% so với cùng kỳ, ở mức 476 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì tăng dự phòng nên nợ xấu tại Sacombank đã giảm nhẹ 8% so với đầu năm.

Riêng trường hợp tại Vietcombank, vì ‘nhẹ tay’ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng (chỉ tăng 6% so với cùng kỳ) nên lợi nhuận trước thuế tại Vietcombank đạt hơn 8.631 tỷ đồng; lãi sau thuế đạt hơn 6.907 tỷ đồng, đều tăng trưởng 65% so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, tính đến 31/3/2021, tổng nợ xấu tại Vietcombank đã tăng lên 47% so với đầu năm, ghi nhận hơn 7.697 tỷ đồng.

Loạt ngân hàng nói không với dự phòng rủi ro tín dụng

Ở một diễn biến khác, loạt nhà băng không trích lập dự phòng rủi ro trong quý 1/2021 nên ghi nhận lợi nhuận tăng đột biến.

Cụ thể, tại SHB không trích lập chi phí dự phòng rủi ro trong quý 1/2021 do đó nhà băng này báo lãi trước và sau thuế gấp đôi cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1.664 tỷ đồng và hơn 1.330 tỷ đồng. Nếu so với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 70%, tương đương 5.800 tỷ đồng cho cả năm 2021, SHB đã thực hiện được 29% sau quý đầu năm.

Tương tự, Ngân hàng Bản Việt không trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, do đó dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 25% so với cùng kỳ, BVB vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế gấp 3,2 lần, ghi nhận gần 152 tỷ đồng.

Tại Nam A Bank, quý 1/2021 nói không với dự phòng rủi ro tín dụng nên lãi trước và sau thuế đạt gần 461 tỷ đồng và 368 tỷ đồng, tăng lần lượt 223% và 225% so với cùng kỳ. Tương tự, Ngân hàng Viet A Bank và Bac A Bank cũng không trích lập dự phòng rủi ro trong quý 1/2021. Do đó báo lãi sau thuế tăng 55% và 29%, lần lượt đạt 125 tỷ đồng và gần 184 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, nhiều nhà băng lại giảm chi phí dự phòng rủi ro trong quý 1/2021 như Vietinbank giảm 69% xuống còn 1.350 tỷ đồng; MB giảm 14% còn 1.809 tỷ đồng; OCB giảm tận 48% xuống còn 191 tỷ đồng; KienLongBank giảm 51% còn 34 tỷ đồng và Saigonbank giảm 33% xuống còn 4 tỷ đồng. Nhờ giảm chi phí dự phòng rủi ro, những ngân hàng này đều ghi nhận lợi nhuận quý 1/2021 tăng đáng kể so với cùng kỳ 2020.

Đặc biệt tại VietBank, dù kỳ này được hoàn nhập 3,3 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, Vietbank vẫn báo lãi trước và sau thuế giảm 46%, chỉ còn hơn 124 tỷ đồng và gần 99 tỷ đồng.

Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo

Bạn đang đọc bài viết 3 tháng đầu năm, trích lập dự phòng rủi ro tại ngân hàng phân hoá mạnh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.

Tin mới