'Cuộc chiến' giữa các nhà bán lẻ thời trang Trung Quốc
Nhà bán lẻ thời trang trực tuyến Shein đã đệ đơn kiện đối thủ Temu tiếp thị lừa đảo, tranh giành khách hàng tại thị trường Mỹ.
Shein sản xuất quần áo ở Trung Quốc và bán trực tuyến ở thị trường Mỹ, Châu Âu và Châu Á, cung cấp các mặt hàng như quần áo, giày dép, trang sức với giá chỉ từ 5 đến 10 USD. Shein ban đầu được thành lập tại Trung Quốc, dựa vào hoạt động vận chuyển trực tiếp từ mạng lưới rộng lớn các nhà cung cấp có trụ sở tại quốc gia này.
Tại tòa án liên bang Mỹ, Shein đã cáo buộc Temu ký hợp đồng với những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để đưa ra "tuyên bố sai sự thật và lừa đảo" chống lại Shein trong các hoạt động quảng cáo trên trang Temu.com.
Cuộc đụng độ pháp lý rất quan trọng đối với người tiêu dùng Mỹ và các nhà bán lẻ đối thủ vì nó cho thấy cách các nhà bán lẻ trực tuyến có nhà cung cấp ở Trung Quốc cần điều hướng các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Nếu Temu thua kiện, hãng có thể buộc phải cắt giảm chiến lược tiếp thị quan trọng từ trước đến nay. Shein đã tìm cách chặn Temu sử dụng tên thương hiệu của họ để tiếp thị trong khi Temu yêu cầu tòa án bác đơn kiện. Một phát ngôn viên của Temu.com cho biết công ty "bác bỏ dứt khoát mọi cáo buộc và đang bảo vệ các quyền của mình".
Các trang @SHEIN_DC, @SHEIN_USA_ và @SHEIN_NYC (hiện đã bị xóa) được tạo vào tháng 9/2022 và hiển thị logo cũng như tài liệu tiếp thị của SHEIN trên thông tin tiểu sử của họ, theo ảnh chụp màn hình được cung cấp kèm theo đơn của Shein. Tuy nhiên, đơn kiện nêu rõ: “Temu đã cố gắng mạo danh thương hiệu Shein và lừa người tiêu dùng tin rằng Temu có liên quan đến thương hiệu đó”.
SHEIN cho biết rằng Temu đã yêu cầu những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đưa ra những nhận xét chê bai về nhà bán lẻ thời trang và lừa khách hàng tải xuống ứng dụng Temu bằng cách sử dụng các tài khoản mạng xã hội "mạo danh". Do đó, người dùng tải ứng dụng và lầm tưởng rằng hai công ty có liên quan với nhau.
Những người có ảnh hưởng trên phương tiện truyền thông xã hội trên TikTok thường đề cập đến Shein trong các bài đăng về Temu, so sánh các công ty và hàng hóa của họ.
Một người có ảnh hưởng trên nền tảng Tiktok chia sẻ: "Tôi không còn đồng hành cùng Shein nữa. Tôi lựa chọn Temu vì cùng những sản phẩm đó, có mẫu mã đa dạng, giá cả lại rẻ hơn".
Bản thân Shein đã phải đối mặt với các vụ kiện cáo buộc vi phạm bản quyền. Dưới cái tên Zoetop Business, hãng đã bị kiện bởi hàng chục nghệ sĩ và nhà bán lẻ độc lập bao gồm Nike (NKE.N), thương hiệu UGG Deckers (DECK.N), Oakley shades của Tập đoàn Luxottica và nhà bán lẻ trực tuyến Dolls Kill, với cáo buộc ăn cắp thiết kế.
PDD Holdings (PDD.O), công ty sở hữu ứng dụng Pinduoduo nổi tiếng của Trung Quốc, đã ra mắt Temu vào tháng 9/2022 như một ứng dụng mới dành cho người mua sắm ở Mỹ với mặt hàng giày dép, trang sức, phụ kiện làm đẹp và đồ gia dụng trực tiếp từ các thương nhân Trung Quốc.
Theo công ty dữ liệu YipitData, tổng giá trị hàng hóa của Temu, tổng doanh thu trước khi trả phí đã tăng từ 3 triệu USD từ khi ra mắt lên 192 triệu USD trong tháng 1/2023. Trong năm nay, công ty cũng có kế hoạch mở rộng tại thị trường Canada, Úc và New Zealand.
Theo thông tin tuyển dụng của Nanopower, cơ quan tiếp thị của Temu, các nỗ lực truyền thông xã hội của công ty đã bắt đầu từ nhiều tháng trước. Tại Mỹ, Temu đang trả cho những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội từ 100 đến 1.000 USD một giờ để sản xuất nội dung thu hút khách hàng trên TikTok, Instagram và YouTube.
Trong khi đó, Shein chuẩn bị huy động khoảng 2 tỷ đô la trong vòng vốn mới trong tháng này và đang hướng tới việc niêm yết tại Mỹ vào nửa cuối năm nay. Người phát ngôn của hãng cho biết hiện tại họ không có kế hoạch IPO (phát hành cổ phiếu và đưa công ty lên sàn chứng khoán) và từ chối bình luận về vụ kiện đang chờ giải quyết.
Hồng Hạnh