0915 15 67 76 [email protected]
Thứ tư, 12/10/2022 06:30 (GMT+7)

Cửa hàng xăng treo biển nghỉ bán, thiếu xăng hay găm hàng?

Những ngày gần đây, người dân ở nhiều tỉnh, thành phải chật vật tìm cây xăng còn hoạt động để mua do nhiều cửa hàng xăng treo biển nghỉ bán.

Nhiều người phải vật vã xếp hàng mới mua được xăng.
Nhiều người phải vật vã xếp hàng mới mua được xăng.

Chôn chân dưới nắng chờ mua xăng

Thời điểm trưa 11/10 tại Hà Nội, đã xuất hiện những cây xăng nghỉ bán. Tại những cây xăng còn hoạt động xuất hiện tình trạng từng dòng người mua xăng. Do lượng xăng bán ra hạn chế khiến hàng dài người phải đứng lâu dưới nắng chờ mua.

Chị Hồng Minh – một khách hang đang xếp hàng chờ đổ xăng cho biết, đã đi hai cửa hàng xăng dầu gần nhà tại đường Nguyễn Cơ Thạch kéo dài và cửa hàng xăng tại đường Trần Vỹ. Tuy nhiên, hai cửa hàng này đóng cửa, do vậy khi đổ xăng chị phải đi ngược lên đường Quốc lộ 32 xa hơn 3 km mới tìm được cây xăng.

Tương tự anh Trần Văn Trọng (số 5, Nguyễn Đổng Chi, Cầu Diễn) cho biết, chiều qua đi làm về vội giờ đón con nên anh không dừng đổ xăng được, 10 giờ tối lấy xe đi đổ xăng, cả 3 cây xăng tại đường Hồ Tùng Mậu và Xuân Thủy đều thông báo hết.

Đến cửa hàng xăng dầu tại Bến xe Mỹ Đình, rất may cửa hàng này mở cửa nhưng người chờ đổ xăng xếp hàng đông nghịt. Đợi gần 1 tiếng đồng hồ anh mới đổ được bình xăng để sáng nay yên tâm dắt xe đi làm.

Dòng người xếp hàng mua xăng giữa trưa nắng ở Hà Nội.
Dòng người xếp hàng mua xăng giữa trưa nắng ở Hà Nội.

Ở TP.HCM, nhiều cây xăng tại khu vực Tp Thủ Đức, quận Bình Tân, quận Bình Thạnh… treo biển “hết xăng chờ nhập hàng”. Hầu hết các cây xăng còn hoạt động là những cây xăng thuộc tập đoàn xăng dầu lớn, còn đa số các cây xăng tư nhân thì đóng cửa ngừng hoạt động hoặc bán có giới hạn.

Tại khu vực quận Bình Tân và TP. Thủ Đức, người dân phải “đỏ mắt” mới tìm được cây xăng còn hàng và phải xếp hàng khoảng hơn 30' để được đổ 30.000 đồng tiền xăng.

Cây xăng 27/7 tại địa chỉ 624 đường Kha Vạn Cân, phường Linh Đông, Tp Thủ Đức mở cửa hoạt động nhưng chỉ bán giới hạn với 30 ngàn/người. “Kiếm được cây xăng mở cửa bán là mừng lắm rồi, 30.000 đồng tiền xăng cũng được chứ giờ sắp hết xăng rồi, chạy nãy giờ tìm mãi mới được cây này còn hàng” - chị Lan, người dân đứng đợi đổ xăng nói.

Một nhân viên bán xăng tại đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân cho biết, anh phải làm việc hết công suất từ sáng đến giờ. “Người dân hôm nay đổ xăng tại đây đông lắm vì nhiều cây xăng khác hết hàng, có mấy nhân viên thay phiên nhau làm liên tục không rảnh tay được”.

Đóng cửa hoặc bán cầm chừng

Tại Bình Dương, mấy ngày qua, nhiều cây xăng treo bảng “nghỉ bán”, “chờ nhập hàng”, “hết hàng” nên người dân tìm mua xăng rất khó khăn. Anh Tùng Dương, một người dân ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương bức xúc, trưa nay thấy xe gần hết xăng nên anh tranh thủ đi đổ. Anh phải đi khoảng 10km từ phường Phú Mỹ tới phường Phú Thọ và qua 10 cây xăng mới tìm thấy chỗ còn bán.

“Thực tế trên địa bàn Bình Dương ai cũng kêu than không có xăng để đổ. Bản thân tôi đi đổ cũng may trên xe còn đủ xăng để chạy đến nơi để đổ chứ lỡ hết xăng giữa đường không biết xử lí ra sao”, anh Tùng Dương nói.

Do lượng khách đến đổ xăng rất đông nên các điểm bán xăng phải bố trí thêm người hướng dẫn khách vào theo thứ tự. Trong quá trình chờ lâu cũng có không ít trường hợp lớn tiếng chửi bới nhân viên bán xăng. Ở một số điểm bán xăng do số lượng hàng còn ít nên hầu hết đều bán cầm chừng và quy định số xăng dầu được đổ. Cụ thể đối với xe máy chỉ được đổ từ 20.000-30.000 đồng, xe ô tô thì từ 200.000 -300.000 đồng/xe.

Nhiều cây xăng không đóng cửa nhưng khi khách đến hỏi thì mới biết là hết xăng.
Nhiều cây xăng không đóng cửa nhưng khi khách đến hỏi thì mới biết là hết xăng.

Một nhân viên bán xăng ở thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương cho biết, chủ cây xăng quy định đổ mỗi xe một ít để chia sẻ nhau trong lúc xăng khan hiếm. Nếu nhóm nào đổ nhiều sẽ bị nhắc nhở.

“Tổng kho không nhập về lấy gì mình nhập. Giờ xăng dầu ít quá không có chỗ nào có nên giờ có chia ra bán mỗi người ít chứ bán một phát là hết liền. Hồi xưa Tổng kho cho trữ nhưng giờ đâu có hàng đâu mà trữ, giờ bán hết họ cho lấy bao nhiêu hay bấy nhiêu”, nhân viên bán xăng ở thành phố Dĩ An cho hay.

Giải thích về việc nhiều cây xăng đóng cửa liên tục trong thời gian dài, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, hiện toàn tỉnh có nhiều cây xăng không đủ quy chuẩn nên bị rút giấy phép. Tuy nhiên, các cây xăng này chưa gỡ bỏ nên người dân nhầm tưởng họ ngưng bán, găm hàng. Để kiểm soát tình hình, Sở Công Thương và Cục Quản lí thị trường liên tục kiểm tra và yêu cầu các cây xăng phải báo cáo tình hình hoạt động mỗi ngày.

"Hàng ngày, chúng tôi đi giám sát chặt chẽ thường xuyên. Qua nắm tình hình các cửa hàng có đóng cửa, tuy nhiên tới kiểm tra thì đang nhập hàng, có cửa hàng hết dầu còn xăng, có cửa hàng hết xăng còn dầu. Chúng tôi đã có biên bản ghi nhận tại các cửa hàng. Ngoài ra, việc cung ứng đảm bảo cho các cửa hàng", bà Nguyễn Thanh Hà thông tin.

Nguyên nhân gián đoạn, thiếu hụt nguồn cung

Trong thông tin phát đi tối 10/10, Bộ Công Thương cho biết, hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đóng cửa tại TP.HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk... là không phổ biến khi chỉ có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.

Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân khiến doanh nghiệp đóng cửa là do chi phí kinh doanh tăng mạnh và thương nhân đầu mối không đủ nguồn hàng nên chỉ duy trì trong hệ thống và tồn kho theo quy định. Nhiều doanh nghiệp giảm mạnh chiết khấu để hạn chế đại lý bán lẻ lấy nhiều hàng, nên doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ. Bên cạnh đó, tình hình bão lũ cũng khiến việc vận chuyển hàng gặp khó khăn, gián đoạn và thiếu hụt nguồn cục bộ.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương cho hay đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến xăng dầu cũng như sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước (chi phí tổng hợp đối với doanh nghiệp đầu mối để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước trong công thức giá cơ sở) ở mức phù hợp với thực tế, giúp doanh nghiệp tạo nguồn.

Bộ này cũng cho biết đã phối hợp với các tỉnh thành chỉ đạo các doanh nghiệp xăng dầu có phương án bảo đảm nguồn, duy trì cung ứng trong hệ thống, gắn với việc đôn đốc kiểm tra giám sát thực hiện quy định về duy trì bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu.

Ngoài ra, Bộ này khẳng định đã phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu trong nước, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.

Đồng thời, bộ cũng chỉ đạo các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối hỗ trợ để điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ.

Quản lý và điều hành giá xăng dầu luôn là đề tài được công luận quan tâm.
Quản lý và điều hành giá xăng dầu luôn là đề tài được công luận quan tâm.

Trong khi đó, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn (đầu mối là sở công thương) tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Bộ Công Thương tiếp tục khẳng định dù có sự thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng của thương nhân đầu mối, gây gián đoạn hoạt động kinh doanh, song tồn kho xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước. Nguồn cung xăng dầu cũng vẫn liên tục được bổ sung từ nguồn nhập khẩu và mua trong nước.

Trả lời báo chí ngày 10/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin: Cơ quan quản lý nhà nước về xăng dầu là Bộ Công Thương. Bộ Tài chính có trách nhiệm trong việc ban hành chi phí định mức đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu và tham mưu cho Chính phủ để trình Quốc hội các khoản thuế phí đối với xăng dầu.

Công tác quản lý doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ thuộc về trách nhiệm của Bộ Công Thương, do đó việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đảm bảo các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị doanh nghiệp xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng chia sẻ nước ta hiện nay có đến 36 doanh nghiệp đầu mối, trong khi các quốc gia lớn như Nhật Bản cũng chỉ có năm doanh nghiệp đầu mối; hay như đối với doanh nghiệp phân phối, chúng ta cũng có đến 500 doanh nghiệp.

Xăng dầu là sản phẩm thiết yếu đến đời sống người dân. Quản lý và điều hành giá xăng dầu luôn là đề tài được công luận quan tâm. Ngoài chuyện tăng, giảm giá xăng, các loại thuế, phí... vấn đề minh bạch trong quản lý sẽ góp phần lành mạnh hóa thị trường, để người dân không phải chịu đựng mối lo xếp hàng mua xăng.

Từ chiều ngày 11/10, giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng trở lại sau những kỳ giảm mạnh. Giá xăng tăng nhẹ còn giá dầu tăng rất mạnh.

Giá xăng E5 tăng 560 đồng/lít, giá bán là 21.290 là đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 560 đồng/lít, giá bán là 22.000 đồng/lít.

Giá dầu diesel tăng 1.960 đồng/lít, giá bán là 24.180 đồng/lít. Giá dầu hoả cũng tăng thêm 1.140 đồng, giá bán là 22.820 đồng. Riêng dầu mazut giữ nguyên, giá bán là 14.090 đồng một kg.

Trọng Đạt 

Bạn đang đọc bài viết Cửa hàng xăng treo biển nghỉ bán, thiếu xăng hay găm hàng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

HoSE lên tiếng sau sự cố nghẽn lệnh
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, hiện đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống để kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Tin mới