CPI tháng 8 năm 2020 chỉ tăng 0,07%
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2020 tăng khá khiêm tốn, chỉ tăng 0,07% so với tháng 7, trong đó, 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số tăng.
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê (GSO), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,07% so với tháng 7 chủ yếu do ảnh hưởng của cơn bão số hai và mưa trên diện rộng làm giá rau tăng. Đồng thời, giá gạo trong nước tăng do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thuận lợi đạt ở mức cao trong nhiều năm trở lại đây.
Ngoài ra, một phần nguyên nhân cũng vì giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
CPI tháng 8 năm 2020 chỉ tăng 0,07%
Theo số liệu, CPI bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 3,96% so với cùng kì năm trước. Trong mức tăng 0,07% của CPI tháng 8/2020 so với tháng trước, có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước.
Cụ thể, nhóm giáo dục tăng nhiều nhất với 0,18% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2020 - 2021 và giá các mặt hàng sách vở, đồ dùng học tập tăng do nhu cầu mua sắm để chuẩn bị cho năm học mới (tác động làm CPI chung tăng 0,01%).
Với nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm này tăng 0,11%, trong đó lương thực tăng 0,6%, thực phẩm tăng 0,08%.
Do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào ngày 28/7 và điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 12/8 làm chỉ số giá xăng, dầu tăng 0,41%, khiến nhóm giao thông tăng 0,1%.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cùng mức tăng 0,1%, chủ yếu do giá điện, nước sinh hoạt tăng lần lượt là 0,39% và 0,48% và do giá dầu hỏa tăng 1,93%, giá gas tăng 0,55%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,05%, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%, nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,2%.
Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân kiềm chế CPI tháng 8/2020 như ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19 lần 2 vào Việt Nam, nhu cầu đi lại, du lịch, lễ hội, ăn uống ngoài gia đình của người dân giảm nên giá ăn uống ngoài gia đình giảm 0,03%, giá vé tàu hỏa giảm 0,6%, du lịch trọn gói giảm 0,49% so với tháng trước.
Giá thịt lợn giảm 0,4% so với tháng trước do nguồn cung tăng từ việc tái đàn và nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan. Giá nhà ở thuê giảm 0,17% so với tháng trước do nhiều hộ gia đình giảm giá thuê nhà ở hỗ trợ người tiêu dùng trong tình hình dịch COVID-19.
Ngoài ra, nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,03%. Riêng nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình không có sự thay đổi lớn.
CPI bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 3.96% so với bình quân cùng kỳ năm 2019
CPI tháng 8 giảm 0,12% so với tháng 12/2019 và tăng 3,18% so với cùng kỳ năm trước; CPI bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 3,96% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Lạm phát cơ bản tháng 8 năm nay giảm 0,01% so với tháng trước và tăng 2,16% so với cùng kì năm 2019. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 2,66% so với bình quân cùng kì năm trước.
Trong tháng 8, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng trên 215 quốc gia và vùng lãnh thổ, ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến hoạt động kinh tế toàn cầu làm cho vàng trở thành kênh đầu tư an toàn.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng gay gắt khiến không chỉ Trung Quốc mà nhiều quốc gia khác cũng đang đẩy mạnh mua vàng để dự trữ nhằm phục vụ chiến lược dài hạn.
Chính vì thế, giá vàng thế giới đang ở mức cao nhất trong vòng 6 năm qua bất chấp tăng trưởng toàn cầu sụt giảm. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/8/2020 tăng 6,14% so với tháng 7. Chỉ số giá vàng tháng 8 tăng 9,86% so với tháng 7; tăng 32,81% so với tháng 12/2019 và tăng 35,02% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số đồng đô la Mỹ so với các đồng tiền chủ chốt trên thị trường thế giới giảm 2,53% so với tháng trước xuống còn 93,13 điểm trong ngày 26/8/2020 trong bối cảnh lạm phát tháng 7/2020 của Mỹ tăng và Quốc hội Mỹ chưa đạt thỏa thuận liên quan đến gói cứu trợ mới để giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và giúp duy trì đà phục hồi kinh tế.
Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn đảm bảo đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu, tỷ giá giữa VND và USD tháng 8 năm 2020 giảm 0,08%, giá USD bình quân ở thị trường tự do tháng 8 năm 2020 dao động quanh mức 23.288 VND/USD.
Theo Tổng cục Thống kê, bình quân 8 tháng năm 2020 lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm tăng. Chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm