Công ty năng lượng hàng đầu châu Âu mua 100.000 tấn dầu từ Nga
Trong khi nhiều công ty lo sợ và tránh xa dầu mỏ của Nga vì quan ngại "vạ lây" từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, Shell - Công ty dầu khí đa quốc gia của Anh - Tập đoàn năng lượng tư nhân lớn thứ hai trên thế giới, vừa mua 100.000 tấn dầu từ Nga.
Shell mua dầu của Nga mới mức giá "chiết khấu kỷ lục"
Theo đó, thương vụ này được thực hiện hôm 4/3. Theo CNBC, mức giá mà Shell mua được cho là thấp hơn rất nhiều so với giá 118 USD/thùng dầu Brent trên thị trường toàn cầu.
Đây được được cho là mức giá "chiết khấu kỷ lục" trong bối cảnh nhiều công ty lo sợ và tránh xa dầu của Nga khi quốc gia này bị phương Tây trừng phạt vì chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tính tới thời điểm hiện tại, việc mua dầu của Nga không vi phạm bất cứ lệnh cấm vận nào của phương Tây.
Trong tuyên bố chính thức ngày 5/3, Shell đã bảo vệ quyết định của mình đồng thời cho biết sẽ chuyển lợi nhuận từ thương vụ này vào một quỹ để viện trợ nhân đạo cho Ukraine.
Phía Shell nhấn mạnh họ đã "đàm phán căng thẳng với các chính phủ và tiếp tục tuân theo hướng dẫn của họ về vấn đề an ninh nguồn cung". Shell cũng cho biệt họ nhận thức sâu sắc việc cần "giải quyết tình huống khó xử này một cách thận trọng nhất".
Shell nhấn mạnh: "Chúng tôi không xem nhẹ quyết định này và chúng tôi hiểu tác động to lớn từ những cảm xúc xung quanh nó".
Ngay lập tức, Shell đã phải đối mặt với sự chỉ trích nặng nề của Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba, người muốn các công ty cắt đứt mọi quan hệ kinh doanh với Nga.
Hồi đầu tuần, Shell cho biết họ có ý định rút khỏi các liên doanh hợp tác với tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga và các đơn vị liên quan. Trong khi đó, đối thủ BP của họ cuối tuần trước thông báo rằng sẽ bán bớt 19,75% cổ phần của họ trong Rosneft, một công ty dầu khi do Nga kiểm soát.
Trong tuyên bố của mình, Shell nhấn mạnh rằng công ty hoan nghênh "bất cứ định hướng hoặc thông tin chi tiết nào" từ các chính phủ hoặc các nhà hoạch định chính sách. Shell cũng nói rằng họ sẽ tiếp tục lựa chọn các giải pháp thay thế cho dầu Nga nhưng "điều này không thể xảy ra trong một sớm một chiều vì mức độ quan trọng của dầu Nga với nguồn cung toàn cầu".
Nga hiện cung cấp khoảng 12% tổng lượng xuất khẩu dầu thô toàn cầu. Trong khi đó, gần 40% nhu cầu khí đốt và 25% nhu cầu dầu lửa của EU phụ thuộc vào Nga. Việc thoát ly ngay lập tức với nhiên liệu từ Nga rõ ràng là nhiệm vụ bất khả thi và có thể khiến châu Âu hứng chịu những thiệt hại nặng nề, đặc biệt là đối với các hộ gia đình thu nhập thấp.
Trong một diễn biến khác, Nga tuyên bố dừng cung cấp khí đốt vô thời hạn cho Đức và Ba Lan qua đường ống Yamal, chạy từ Siberia, qua Bán đảo Yamal sang 2 nước này. Đường ống này chiếm 15% tổng khí đốt xuất khẩu của Nga sang EU.
Một số nhà phân tích cho rằng Nga có thể sử dụng tới con bài năng lượng để gia tăng sức ép lên châu Âu trong bối cảnh nước này liên tiếp phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây vì chiến dịch quân sự đặc biệt trên đất Ukraine. Tuy nhiên, chưa rõ Moscow sẽ sử dụng lá bài này ra sao.
Dầu của Nga sẽ "hấp dẫn" trở lại?
Dù đã thoái vốn khỏi các dự án liên quan tới Nga nhưng rõ ràng, Shell sẽ không thể đoạn tuyệt với dầu Nga. Bản thân công ty này cũng phải thừa nhận một thực tế chung rằng: "Nếu không có nguồn cung cấp dầu thô liên tục cho các nhà máy lọc dầu, ngành công nghiệp năng lượng không thể đảm bảo tiếp tục cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho người dân trên khắp châu Âu trong những tuần tới. Hàng hóa từ các nguồn cung thay thế sẽ không thể đến kịp để tránh gây ra gián đoạn nguồn cung của thị trường".
Kể từ sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặt biệt ở Ukraine, Nga trở thành tâm điểm trong các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhiều biện pháp trừng phạt nặng nề chưa được có cũng đã được triển khai nhằm tổn hại nghiêm trọng nhất tới nền kinh tế Nga, trong đó có việc loại 7 ngân hàng Nga khỏi SWIFT (với khả năng cho phép các ngân hàng xử lý một lượng giao dịch lớn nhanh chóng và an toàn, SWIFT được xem là một hệ thống nền tảng cho thương mại quốc tế. Hiện SWIFT đã liên kết hơn 11.000 tổ chức tài chính trên 209 quốc gia và vùng lãnh thổ).
Trong khi đó, hàng loạt các tỷ phú Nga cũng đang bị trừng phạt trên khắp thế giới. Nhiều người phải bán tháo tài sản, số khác bị tịch thu du thuyền, biệt thự đang ở châu Âu. Thậm chí, Mỹ còn thành lập hẳn đội đặc nhiệm chuyên đi săn lùng tài sản của Nga trên toàn cầu để trừng phạt. Ở chiều ngược lại, các cá nhân, tổ chức nước ngoài cũng khó lòng rút tiền hay thoái vốn khỏi lãnh thổ Nga khi Moscow ban bố biện pháp để ngăn chặn họ làm điều đó. Chúng tạo ra sự không chắc chắn và lo ngại trên quy mô toàn cầu.
Đó cũng chính là lý do dầu Nga bị "ế". Việc sợ bị "vạ lây" khiến nhiều người mua chủ động tránh xa mặt hàng này dù nó rẻ hơn rất nhiều so với dầu của các nước khác. Tuy nhiên, việc Shell mua dầu Nga dưới sự đồng ý của một Chính phủ nào đó cho thấy rằng sản phẩm này không đáng sợ như người ta vẫn quan ngại. Cần nhấn mạnh rằng, động thái của Shell chưa vi phạm bất cứ lệnh trừng phạt nào của phương Tây.
Trong khi đó, nước Mỹ cũng đang loay hoay trước quyết định có cấm dầu mỏ của Nga hay không. Dù là quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới nhưng Mỹ vẫn phải nhập khẩu dầu của Nga để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy lọc dầu được xây dựng từ nhiều thập niên trước, vốn cần tới loại dầu nặng.
Với hàm lượng lưu huỳnh cao hơn, dầu của Nga có thể sản xuất ra loại nhiên liệu công suất cao. Nhập khẩu dầu từ Nga là cách duy nhất để các nhà máy lọc dầu thế hệ cũ của Mỹ tiếp tục sinh lời. Ngoài ra, việc Mỹ trừng phạt Iran và Venezuela, hai nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới khác, cũng đã khiến cho dầu của Nga trở nên quan trọng hơn nữa nhờ "lấp vào chỗ trống".
Bản thân người Mỹ cũng cho biết việc trừng phạt dầu Nga sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn tới thị trường năng lượng Mỹ, nhất là khi Moscow chỉ đóng góp một con số cho nhập khẩu dầu của Mỹ. Tuy nhiên, động thái như vậy có thể khiến nhiều quốc gia khác làm theo và gây ra sự hỗn loạn đối với kinh tế toàn cầu. Nga chiếm 12% tổng lượng cung dầu của thế giới.
Một biện pháp như vậy sẽ gây tổn thất nặng nề cho châu Âu, đồng minh thân cận của Mỹ nhưng lại do Nga cung cấp tới 40% tổng nhu cầu khí đốt và 25% nhu cầu với dầu mỏ. Quay lưng với dầu Nga chắc chắn sẽ gây ra lạm phát nghiêm trọng ở châu Âu và tác động nặng nề nhất tới các hộ gia đình nghèo, những người dành phần lớn thu nhập cho nhiên liệu và lương thực.
Chính bởi thế, trừng phạt dầu khí Nga sẽ là quyết định khó khăn và cần phải cân nhắc kỹ lưỡng đối với phương Tây.
Tham khảo: Bloomberg