0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ sáu, 22/07/2022 11:00 (GMT+7)

Còn nhiều 'điểm nghẽn' cần tháo gỡ trong Dự thảo Quy hoạch điện VII

Quy hoach điện VIII thời kỳ 2021-2030 đến nay còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ trong thời gian tới. Dự thảo vẫn chưa được thông qua trong tháng 6 như kỳ vọng.

Chậm tiến độ

Thời điểm Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ban hành ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam hết hiệu lực ngày 31/12/2020, Chính phủ giao Bộ Công Thương rà soát, xây dựng chính sách mới thay thế. Đến nay, đã hơn 1,5 năm nhưng chính sách vẫn đang xây dựng.

Trong họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương tại thời điểm tháng 6, Phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo Bùi Quốc Hùng thông tin, dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, đến năm 2030 sẽ không phát triển điện mặt trời mặt đất nhưng điện mặt trời mái nhà vẫn có thể khuyến khích đầu tư tự sử dụng. Bộ Công Thương đang dự thảo Thông tư quy định về khung giá bán điện và cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư trong cho các loại hình dự án điện.

Bên cạnh đó, tại công văn báo cáo Thủ tướng về việc rà soát quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã đề xuất tiếp tục phát triển gần 2.430 MW điện mặt trời đến 2030.

Còn nhiều "điểm nghẽn" cần tháo gỡ trong Dự thảo Quy hoạch điện VII - Ảnh 1
Chính phủ giao Bộ Công Thương rà soát, xây dựng chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam.

Tại công văn báo cáo Thủ tướng về việc rà soát quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã đề xuất tiếp tục phát triển gần 2.430 MW điện mặt trời đến 2030. Theo đó, hiện có 51 dự án hoặc một phần dự án điện mặt trời với tổng công suất hơn 6.564,67 MW đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch nhưng có một phần công suất chưa đi vào vận hành.

Cụ thể, 5 dự án/một phần dự án điện mặt trời với tổng công suất gần 453 MW đã thi công xong, chờ xác định giá bán điện; 19 dự án/một phần dự án với tổng công suất gần 1.975 MW đã có nhà đầu tư và đã triển khai đầu tư ở nhiều mức độ khác nhau; 27 dự án/một phần dự án với tổng công suất hơn 4.136 MW chưa có nhà đầu tư. Trong số vừa nêu có 26 dự án điện mặt trời và một phần còn lại của dự án điện mặt trời Hồ Dầu Tiếng (công suất 1.050 MW); trong đó có một số dự án đang thực hiện thủ tục cấp chủ trương đầu tư, các địa phương cũng đang trong giai đoạn thẩm định để cấp chủ trương đầu tư; có những dự án chưa thực hiện.

Bộ Công Thương cho biết về mặt quy hoạch, các dự án đã được thẩm định và trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 43/2013 của Bộ Công Thương về nội dung, trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực.

Ngoài ra, về việc cấp chủ trương đầu tư, Bộ Công Thương còn cho biết trên cơ sở quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các địa phương tổ chức thẩm định để cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự chịu trách nhiệm về việc cấp giấy chứng nhận đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư.

Hàng tỷ kWh điện gió, điện mặt trời bị bỏ đi dù Việt Nam có nguy cơ thiếu điện

Thực tế, phát triển năng lượng tái tạo để giảm áp lực đầu tư cho ngành điện là định hướng của Chính phủ. Điều này góp phần giúp Việt Nam sớm đạt được mục tiêu trung hòa carbon và giảm phát thải ròng bằng 0. Để làm được điều đó cần bỏ độc quyền hệ thống truyền tải điện, kiểm soát đầu tư dự án điện ở nơi có nhu cầu sử dụng nhiều.

Hệ thống điện mặt trời mái nhà thường có tuổi thọ lên đến 25-30 năm, ít nhất sau 5 năm mới thu hồi vốn. Do đó, chính sách phải nhất quán và có tính ổn định lâu dài. Quy định, hướng dẫn phải đi kèm với chính sách để nhà đầu tư không làm sai, không làm thiếu. Hạn chế tình trạng “bỏ trống” chính sách như hiện nay.

Thống kê của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho thấy, hệ thống điện của Việt Nam có khoảng 78.000 MW công suất; trong đó, năng lượng tái tạo chiếm tới gần 30%, đạt khoảng 21.000 MW.

Sản lượng điện các nguồn điện này đạt 31,5 tỷ kWh, tương đương gần 12,3% sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. 6 tháng đầu năm nay, con số này tăng lên khoảng 15% sản lượng điện hệ thống. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, dù tỷ trọng công suất và huy động điện từ nguồn năng lượng tái tạo đã cao hơn nhiều so với trước đây, nhưng Việt Nam vẫn có nguy cơ thiếu điện, nhất là vào cao điểm nắng nóng.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN ví dụ, với điện gió, công suất lắp đặt hiện khoảng 3.900 MW; trong đó 92% được đưa vào vận hành cuối tháng 10 năm ngoái. Theo biểu đồ phát của điện gió, thời gian thu được gió tốt nhất vào tháng 12, 1 và 2; còn thấp điểm là tháng 4, 5 và 6.

Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng Lê Thành Thanh cho biết, đến nay, tỉnh đã quy hoạch phát triển 20 dự án điện gió, đã cấp chủ trương đầu tư cho 18 dự án với tổng công suất 1.345MW, 2 dự án còn lại đang được xem xét để cấp chủ trương đầu tư.

Trong số 18 dự án có nhà đầu tư đã có 11 dự án đã khởi công xây dựng trong năm 2020 với tổng công suất là 496,4MW. Tính đến ngày 31/10/2021 (thời điểm hết hạn giá FIT - giá hỗ trợ) có 4 dự án đưa vào vận hành thương mại là nhà máy điện gió số 7, nhà máy điện gió Quốc Vinh (số 6), nhà máy điện gió Lạc Hòa giai đoạn 1 (số 5) và nhà máy điện gió Hòa Đông 2 với tổng công suất của 4 nhà máy là 110,8MW (trong đó 2 dự án vận hành 100% công suất). Song đến thời điểm này đã có thêm nhiều dự án xây dựng hoàn chỉnh nhưng không thể hòa lưới vì cơ chế giá FIT đã hết hạn.

"Khu vực ven biển và ngoài khơi thuộc tỉnh Sóc Trăng còn nhiều vị trí có thể phát triển điện gió, địa phương cũng đã có bước khảo sát ban đầu để quy hoạch bổ sung dự án điện gió, tuy nhiên, theo Bộ Công Thương thì phải chờ quy hoạch điện VIII được phê duyệt mới có cơ sở để đề xuất bổ sung dự án mới", ông Thanh cho biết.

Theo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), tính đến hết ngày 31/10/2021, tức thời hạn cuối cùng để được xét công nhận dự án vận hành thương mại và được hưởng giá hỗ trợ (FIT) theo Quyết định số 39/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã có 84/146 dự án điện gió ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN, với tổng công suất gần 4.000MW được công nhận vận hành thương mại COD.

Như vậy, còn 62 dự án với tổng công suất 4.170MW mặc dù đã ký hợp đồng PPA với EVN nhưng do chậm tiến độ nên không kịp đưa vào vận hành thương mại. Tính đến thời điểm này đã có nhiều nhà máy điện gió trong số 62 dự án "lỡ nhịp" đã hoàn thành xây dựng và lắp đặt thiết bị, nhưng không thể vận hành thương mại do hết cơ chế hưởng giá FIT.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Còn nhiều 'điểm nghẽn' cần tháo gỡ trong Dự thảo Quy hoạch điện VII. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới