Còn gần 400 container phế liệu tồn đọng tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu đang nỗ lực xử lý các lô hàng tồn đọng nhằm nhanh chóng giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp kinh doanh cảng.
Thông tin từ Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu, tại các cảng trên địa bàn còn tồn động 380 container hàng hóa nhập khẩu. Đáng nói, trong 380 container này đa phần là nhựa phế liệu, các sản phẩm nhựa đã qua sử dụng, cáp quang đã qua sử dụng… với tổng trọng lượng gần 39.500 tấn. Số hàng này đã quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu nhưng không có người nhận.
Hiện đơn vị đã tiến hành kiểm kê phân loại và đang chờ xử lý theo Công văn 6632/TCHQ-GSQL ngày 22/10/2019 của Tổng cục Hải quan hướng dẫn cục hải quan các tỉnh, thành phố xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu để rà soát, thực hiện thông báo tìm chủ hàng và kiểm kê, phân loại, thành lập hội đồng xử lý hàng tồn.
Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu đang nỗ lực xử lý các lô hàng tồn đọng nhằm nhanh chóng giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp kinh doanh cảng. Theo quy định, doanh nghiệp có thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông báo lần đầu để nhận hàng. Quá thời hạn trên, nếu không có người đến nhận thì đơn vị sẽ xử lý theo quy định.
Còn gần 400 container phế liệu tồn đọng tại Bà Rịa - Vũng Tàu |
Trước đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép cũng thông báo tìm chủ nhân của 53 container hàng nhập khẩu tồn đọng đã quá thời hạn làm thủ tục hải quan (quá 90 ngày), trong đó đa phần hàng hóa là đất sét, bột thép…
Để ngăn chặn các container phế thải tồn tại cảng, cơ quan Hải quan đã chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn đặc biệt công văn 4202. Trong đó đưa ra quy định đối với hàng đưa vào lãnh thổ Việt Nam trước khi chất hàng, hạ bãi xuống cảng phải đáp ứng các điều kiện quy định, như: Doanh nghiệp phải được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường mới được phép nhập khẩu; doanh nghiệp phải ký quỹ... Nếu là chất thải, cơ quan hải quan không cho hạ bãi và yêu cầu vận chuyển ra ngay.
Mới đây, Bộ TN&MT cũng đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, các quy định trong nhập khẩu phế liệu được bổ sung một số hành vi cho phù hợp với thực tế như: thay đổi kho hoặc bãi lưu giữ phế liệu mà không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; thay đổi công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu, công nghệ xử lý tạp chất đi kèm phế liệu mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng đã bãi bỏ một số quy định không có kho hoặc bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu theo quy định và hành vi không có công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu, xử lý tạp chất đi kèm phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định của pháp luật; bãi bỏ quy định về nhập khẩu ủy thác do không còn quy định.
Trước đó, Bộ TN&MT cũng đã ban hành Thông tư 01/2019/TT-BTNMT về việc ngưng hiệu lực thi hành một số quy định quy chuẩn quốc gia về môi trường. Đây được coi là động thái tích cực nhằm giúp hàng phế liệu được thông quan nhanh chóng.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm