Cổ phiếu bật tăng trở lại, ngành hàng không mất bao lâu để lấy lại vị thế?
Nhiều công ty chứng khoán kỳ vọng, kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu các doanh nghiệp trong ngành hàng không sẽ quay trở lại như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 trong vòng 1-2 năm tới.
Cổ phiếu ngành hàng không thăng hoa
Thông tin mở đường bay nội địa thường lệ trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 cộng thêm đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa từ đầu tháng 11 năm nay đã tiếp sức cho nhiều cổ phiếu đầu ngành nối dài mạch tăng.
Cụ thể, chốt phiên 9/9, VJC tăng 3,53% trong khi HVN tăng kịch trần; trên sàn UPCoM, ACV cũng tăng tới 5,46%. Sang phiên 10/9, VJC tiếp tục tăng lên 129.800 đồng/cp, HVN tăng mạnh 4,4% lên 25.050 đồng/cp, ACV giữ sắc xanh với 83.500 đồng/cp. Song song, cổ phiếu VTR của Vietravel (chủ hãng bay mới Vietravel Airlines) cũng bắt đầu bật tăng lên 34.000 đồng/cp.
Trước đó, ngày 6/9, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết cơ quan này đang lấy ý kiến về kế hoạch mở đường bay nội địa thường lệ trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 với mục đích nhằm duy trì vận chuyển hàng không, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế cho các địa phương và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Kế hoạch trên đang lấy ý kiến các hãng hàng không, sau đó sẽ trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét phê duyệt thời điểm áp dụng.
Hiện nay, ngành hàng không chỉ khai thác các chuyến bay chở hàng hóa và kết hợp chở hành khách công vụ, lực lượng phòng chống dịch Covid-19. Đường bay Hà Nội - TP HCM chỉ duy trì tối đa 2 chuyến bay khứ hồi mỗi ngày. Các hãng bay đã tạm dừng bán vé các đường bay nội địa theo chỉ đạo của Cục Hàng không Việt Nam.
Thời gian qua, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines giảm mạnh từ mức 30.000 đồng/cp xuống chỉ còn 15.000 đồng/cp, hiện đã phục hồi về vùng 25.000 đồng/cp.
Mã VJC của Vietjet cũng trải qua sự sụt giảm đáng kể trong đợt dịch thứ nhất, từ vùng 145.000 đồng/cp rơi xuống đáy 92.000 đồng/cp, tuy nhiên đến nay đã tăng lại mức 130.000 đồng/cp.
ACV đến nay đang dao động ở vùng 84.000 đồng/cp, tăng gấp đôi so với đáy Covid được thiết lập vào tháng 3/2020.
Tuy nhiên, “thị trường hàng không trong nước sẽ cần 2 năm để phục hồi hoàn toàn từ mức thấp của năm nay”, nhóm phân tích Chứng khoán Rồng Việt nhận định.
Phù hợp đầu tư dài hạn
Theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán, xu hướng của cổ phiếu ngành hàng không trong ngắn và trung hạn phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình dịch bệnh trong nước. Nếu các địa phương tiếp tục siết giãn cách xã hội, ngành hàng không buộc "đóng băng", giá trên thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục đi ngang hoặc lao dốc. Nhóm cổ phiếu này chỉ phù hợp với những nhà đầu tư dài hạn, có nhu cầu tích luỹ để chờ tăng trưởng trở lại sau dịch bệnh.
Báo cáo ngành của Chứng khoán Agriseco mới đây nhận định, hàng không sẽ hồi phục mạnh trong giai đoạn 2022 – 2023. Agriseco cũng kỳ vọng kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu các doanh nghiệp trong ngành sẽ quay trở lại như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 trong vòng 1-2 năm tới.
Đơn vị này cho rằng, giai đoạn nửa cuối năm 2021 là thời điểm phù hợp để tích lũy các cổ phiếu ngành hàng không. Báo cáo cũng lựa chọn mã cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines để đầu tư dài hạn do có triển vọng tăng trưởng từ việc tái cấu trúc và đón nhận các hình thức tăng vốn mạnh, cùng với đó là đội bay lớn cùng mạng lưới đường bay đa dạng sẽ là những nhân tố tạo nên dư địa tăng trưởng mạnh, ở mức 45%. Agriseco Research cũng đưa ra mức dự báo dư địa tăng trưởng cho cổ phiếu VJC của Vietjet và VTR của Vietravel lần lượt là 20% và 30%.
Vietnam Airlines đứng bên bờ vực phá sản
Tính đến quý II/2021, sau khi khấu trừ thuế, Vietnam Airlines ghi nhận 4.528 tỷ đồng lỗ sau thuế. Đây là quý thứ 6 liên tiếp Vietnam Airlines ghi nhận lỗ và cũng là quý lỗ lớn thứ 2 trong lịch sử của hãng bay, chỉ sau quý I năm nay.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines lỗ 8.585 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ 5.262 tỷ đồng 6 tháng năm 2020. Như vậy, lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đến thời điểm cuối tháng 6/2021 là 17.771 tỷ đồng.
Việc thua lỗ 6 quý liên tiếp đã khiến vốn chủ sở hữu của Vietnam Airline chính thức âm. Tính đến cuối quý 1/2021, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines chỉ còn 1.030 tỷ. Vì vậy, sau khi lỗ thêm hơn 4.500 tỷ trong quý II, vốn chủ tại ngày 30/6 đã chuyển sang âm 2.750 tỷ đồng.
Tổng cộng tài sản của Vietnam Airlines tính đến cuối tháng 6 là 61.255 tỷ đồng, giảm hơn 1.300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Nợ phải trả là hơn 64.000 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ.
Hàng tồn kho tăng mạnh từ 1.849 tỷ đồng lên 2.580 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là hàng hóa, nguyên, vật liệu. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 724 tỷ đồng, dù vậy cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 và năng lực sản xuất vẫn ở mức thấp, hãng bay đưa ra các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận dự kiến trong năm nay đều xấu hơn năm ngoái.
Theo đó, Vietnam Airlines dự kiến lỗ hợp nhất cả năm tăng 30% so với năm ngoái, lên đến 14.526 tỷ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ 12.908 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất dự kiến giảm 11,6% xuống còn gần 37.400 tỷ đồng.
Kết thúc nửa đầu năm 2021, Vietnam Airlines mới đạt 37,8% kế hoạch doanh thu và hoàn thành 59% kế hoạch lỗ cả năm.
Mặc dù vẫn ghi nhận lãi trong nửa đầu năm 2021, song Vietjet Air và Bamboo Airways cũng đối mặt với thách thức do doanh thu giảm 80-90%, dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng, nợ gốc và lãi tăng cao trong khi các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng bị cạn kiện, cơ hội tiếp cận với vốn vay rất khó khăn.