Cổ đông Nhật Bản chính thức nâng sở hữu tại Petrolimex
Trước giao dịch, ENEOS không sở hữu cổ phiếu nào, chỉ có công ty con của ENEOS là cổ đông lớn thứ 2 của Petrolimex với 103,5 triệu cổ phiếu.
ENEOS Corporation vừa thông báo đã hoàn tất mua vào 13 triệu cổ phiếu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – mã PLX). Giao dịch thực hiện theo phương thức khớp lệnh trên sàn từ ngày 27/8 – 14/9/2020.
Trước giao dịch này ENEOS không sở hữu cổ phiếu nào, chỉ có công ty con của ENEOS là JX Nippon Oil & Energy Việt Nam hiện đang là cổ đông lớn thứ 2 của Petrolimex với 103,5 triệu cổ phiếu, tương đương 8% vốn điều lệ.
Cổ đông Nhật Bản chính thức nâng sở hữu tại Petrolimex
Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) cho biết, Petrolimex cũng đã bán xong 13 triệu cổ phiếu quỹ dù chưa hết thời gian đăng ký giao dịch (27/8 - 25/9/2020). Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu đang lưu hành của Petrolimex được điều chỉnh tăng lên 1,219 tỷ đơn vị tương ứng lượng cổ phiếu quỹ điều chỉnh giảm từ hơn 88 triệu đơn vị xuống còn hơn 75 triệu đơn vị.
Nhiều khả năng, nhóm cổ đông đến từ Nhật Bản đã hoàn tất mua 13 triệu cổ phiếu quỹ của Petrolimex qua đó nâng tỷ lệ sở hữu của cả nhóm này lên 9% và vẫn là cổ đông lớn thứ 2 tại tập đoàn này sau cổ đông Nhà nước với gần 82% cổ phần.
Trên thị trường, cổ phiếu PLX gần như đã phục hồi về vùng giá trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Hiện cổ phiếu này đang dừng ở mức 50.000 đồng/cổ phiếu (chốt ngày 17/9), tương ứng vốn hóa vào khoảng 60.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cổ phiếu PLX vừa qua đã bị HoSE cắt margin do lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm là số âm. Dưới tác động kép bởi dịch Covid-19 và biến động giá dầu, Petrolimex đạt hơn 65.223 tỷ đồng doanh thu, giảm 29% so với cùng kỳ, đồng thời lỗ gần 693 tỷ đồng sau nửa đầu năm 2020.
Mới đây, Petrolimex đã quyết định chi hơn 1.200 tỷ đồng để trả cổ tức còn lại năm 2019 với tỷ lệ 10% cho cổ đông theo danh sách chốt ngày 4/9, thời gian thanh toán vào ngày 22/9 tới đây. Phần lớn số tiền trên sẽ thuộc về cổ đông Nhà nước (984 tỷ đồng) trong khi nhóm cổ đông lớn nước ngoài cũng có thể “bỏ túi” trăm tỷ đồng từ đợt cổ tức này.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm