Chuyên gia chỉ ra đà phục hồi kinh tế của Việt Nam đang ‘vấp’ phải 2 vấn đề
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trên đà phục hồi và phát triển, tuy nhiên lại đang vấp phải 2 vấn đề đó là đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới đang chững lại và rủi ro về bất ổn kinh tế vĩ mô; trong đó, lạm phát là rất lớn.
Trong 2 năm qua, Việt Nam đã hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khiến nền kinh tế đạt mức tăng trưởng thấp. Nhưng kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" vào tháng 10/2021, nền kinh tế đã bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý IV/2021 đạt 5,22%; quý I/2022 ước đạt 5,03% so với cùng kỳ năm trước; kỳ vọng tăng trưởng tiếp tục đà tích cực trong quý II và cả năm 2022. Qua đó, tạo niềm tin vào chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, đà phục hồi kinh tế của Việt Nam đang gặp phải 2 vấn đề. Đầu tiên đó là, phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới đang chững lại. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trước đó dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 đạt 4,9%, nhưng tháng 1/2022 đã giảm xuống 4,4% và khả năng dự báo giảm tiếp trong tháng này do những bất ổn của xung đột chính trị.
Vấn đề thứ 2 mà Việt Nam “vấp” phải đó là rủi ro về bất ổn kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát, điều này bắt đầu xuất hiện vào năm 2021.
Do vậy, việc thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế trong 2 năm (2022-2023) có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cấp thiết nhằm hỗ trợ kịp thời khó khăn của doanh nghiệp. Đặc biệt, việc thực hiện chương trình phục hồi kinh tế nhanh, triển khai các gói hỗ trợ kịp thời cũng tạo cho doanh nghiệp tiếp cận với chính sách hỗ trợ thuận lợi, đúng thời điểm.
Từ khi ban hành Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (Nghị quyết 11), đến nay, nhóm các cơ chế, chính sách đã được ban hành và đang được triển khai; đặc biệt là các chính sách của Bộ Tài chính liên quan đến miễn giảm thuế đã thực hiện khoảng 9.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một số chính sách mới được ban hành gần đây như Quyết định 08 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; hay dự thảo Nghị định hướng dẫn hỗ trợ lãi suất cho vay thông qua các ngân hàng thương mại; dự thảo Quyết định phê duyệt về hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu của Ngân hành Chính sách Xã hội cũng đã được trình Chính phủ.
Đánh giá về vấn đề trên, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Chính phủ đã vô cùng quyết liệt trong thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những chính sách đã được thực thi sớm thì rất nhiều chính sách hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng và chờ để triển khai. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của chương trình phục hồi kinh tế, đồng thời ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của khu vực doanh nghiệp. “Thời gian tới, khi có nhiều chính sách triển khai, cần phải tổ chức thực thi hướng đến sự minh bạch, công bằng dễ tiếp cận và đừng biến chính sách trở thành áp lực ngược lại mới đáp ứng được mục tiêu phục hồi hiện nay”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Thanh Tùng