Chứng khoán phiên sáng 8/3: Lực bán dâng cao từ sớm, VN-Index giảm mạnh xuống 1.485 điểm
Trong phiên giao dịch sáng 8/3, VN-Index đỏ lửa do tác động tiêu cực từ việc sụt giảm mạnh của thịt trường chứng khoán Âu-Mỹ. Theo đó, lực bán dâng cao từ sớm, khiến VN-Index lao mạnh xuống 1.485 điểm ngay khi mở cửa.
Sau đó VN-Index có nhịp nảy nhanh lên 1.495 điểm, nhưng lại bị đẩy ngược trở lại về gần đáy 1.485 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch với sắc đỏ bao trùm với hơn 300 mã trên HOSE, cùng các mã lớn đa số suy yếu, trong đó, đáng kể là VCB khi đang là lực cản lớn nhất với việc để mất gần 3%.
Về mặt kỹ thuật thì những cú sụt giảm như thế này không đáng lo ngại, thậm chí là cần thiết. Hiện xu hướng chủ đạo của thị trường là đi ngang với biên độ hẹp, ngưỡng hỗ trợ của VN-Index là 1.480 điểm và ngưỡng cản ở khu vực 1.510 điểm, nên việc giảm sâu trong ngắn hạn là khó xảy ra. Dòng tiền vào thị trường đang ở mức cao, việc giảm điểm sẽ kích thích "dòng tiền tham lam" tham gia, tích lũy năng lượng cho chỉ số bứt phá khi có những thông tin mới tích cực.
Trong phiên sáng nay, dù thị trường không lạc quan nhưng nhóm cổ phiếu các công ty chứng khoán vẫn nhận được lực mua tốt, với sắc xanh phủ rộng dù mức tăng chưa thực sự cao. Đáng chú ý là cổ phiếu SSI đang bất ngờ dẫn đầu thanh khoản HOSE với hơn 13 triệu đơn vị khớp lệnh.
Nhóm chứng khoán với đặc trưng phụ thuộc vào thanh khoản thị trường, đã có đợt giảm khá mạnh giai đoạn trước Tết nguyên đán do lượng giao dịch sụt giảm, giờ đang được cho là sẽ có kết quả kinh doanh thuận lợi khi giá trị giao dịch tăng trở lại, duy trì ở mức 30.000 tỷ đồng/phiên trên HOSE và khoản 36.000 tỷ đồng toàn thị trường.
Ngoài nhóm chứng khoán, sự khởi sắc còn đến từ một số cổ phiếu vừa và nhỏ khi tiếp tục hút dòng tiền tốt như OGC, FCM, TGG, PIT, JVC, GEG, AMD, khi đã tăng kịch trần với thanh khoản tương đối cao.
Nhóm được chú ý thời gian gần đây là nhóm xăng dầu, sau đợt tăng khá tốt với hầu hết các mã đều có mức tăng tối thiểu 10-20% phiên hôm nay đã quay đầu giảm điểm. Giá dầu mỏ cao là động lực, nhưng việc duy trì ở ngưỡng cao 120 USD/thùng không hẳn là lợi thế cho nhóm nay bởi đa số các doanh nghiệp trong ngành có nguồn đầu vào chính là xăng dầu, giá đầu vào cao làm chi phí tăng và có thể dẫn đến nhu cầu sử dụng sản phẩm sụt giảm.