Chính sách về phát triển đô thị bền vững cần theo kịp thực tiễn
Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng phải nhìn nhận thực tế rằng chính sách, pháp luật về phát triển đô thị vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn.
Một số quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức chưa theo kịp xu hướng, nhu cầu phát triển mới.
Xu thế tất yếu
Hiện nay, việc phát triển đô thị bền vững đã và đang trở thành xu thế của nhiều quốc gia nhằm tạo ra đô thị đáng sống, đô thị cân bằng với thiên nhiên, giảm dấu chân sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại Việt Nam, năm 2022 được đánh dấu là một năm với nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến công tác đô thị hóa và phát triển đô thị. Đáng chú ý, ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định các quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, các mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp cụ thể để tăng cường quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị.
Theo bà Nguyễn Phương Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, hiện nay, các quốc gia, tổ chức quốc tế đã và đang thực hiện nhiều hành động thúc đẩy sự phát triển chung của hệ thống đô thị toàn cầu.
Năm 2021, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Chính phủ Việt Nam đã cam kết phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó chắc chắn cần có sự tham gia tích cực, quan trọng của hệ thống đô thị toàn quốc.
Năm 2022, Chương trình định cư con người Liên Hiệp Quốc UN-Habitat tổ chức Diễn đàn Đô thị Thế giới (WUF) tại Ba Lan với sự tham gia của 158 quốc gia; trong đó có Việt Nam, để cùng thảo luận các giải pháp cho những vấn đề cấp bách nhất liên quan đến quá trình đô thị hóa toàn cầu.
Việc phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cả nước với trên 70% GDP cả nước tới từ các khu vực đô thị. Kết quả đạt được là do thể chế, chính sách về quy hoạch, phát triển đô thị ngày càng được hoàn thiện chất lượng, đồng bộ hơn.
Chính sách chưa theo kịp thực tiễn
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, chúng ta cũng phải nhìn nhận thực tế rằng chính sách, pháp luật về phát triển đô thị vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn, nhất là về quy hoạch, phân loại đô thị, cơ chế tài chính, đầu tư hạ tầng và mô hình chính quyền đô thị, mô hình liên kết và quản trị vùng đô thị. Một số quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức chưa theo kịp xu hướng, nhu cầu phát triển mới.
Quy hoạch, quản lý, sử dụng và huy động nguồn lực đất đai tại đô thị vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; chưa có chính sách đồng bộ để điều tiết và định hướng phát triển đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, góp phần hội nhập xu hướng toàn cầu hiện nay. Trong đó, đô thị thông minh chính là gắn với ý niệm về đạt được sự bền vững thông qua việc áp dụng và sử dụng công nghệ thông tin tiên tiến trên quy mô rộng, mục tiêu chính của đô thị thông minh được cho là để tăng tính bền vững thông qua công nghệ hiện đại.
Liên quan đến vấn đề tiêu chuẩn đô thị thông minh, các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia đã xác định rất rõ: Cơ quan tiêu chuẩn hóa là thực thể không thể thiếu trong việc triển khai đô thị thông minh, bền vững. Vai trò của cơ quan này đặc biệt quan trọng, đảm bảo thống nhất một thuật ngữ chung và các đặc trưng tối thiểu cho đô thị thông minh, bền vững. Trong đó, một trong những ưu tiên là phải xây dựng ngôn ngữ chung thông qua tiêu chuẩn cho các bên liên quan, góp phần làm rõ hơn và hài hòa nhiều hơn trong lĩnh vực đô thị thông minh, bền vững.
Hiện, Bộ Xây dựng đang khẩn trương xây dựng các tiêu chí cơ bản của đô thị thông minh áp dụng toàn đô thị, khu vực đô thị phù hợp với Việt Nam; xây dựng nền tảng pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn cho đô thị thông minh; xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông về đất đai, quy hoạch, giao thông, dân cư và các dữ liệu không gian đô thị khác...
Thanh Tùng