Cảnh báo nạn làm giả tem, nhãn mác hàng hiệu tràn lan trên mạng
Chỉ cần một vài thao tác nhỏ trên Google, mạng xã hội Facebook là chúng ta có thể tìm kiếm hàng loạt các loại hàng hoá mang nhãn hiệu nổi tiếng thế giới với giá... vài trăm ngàn đồng.
Khi search các từ khóa: Mác dệt mác in, Nhãn mác thẻ tag, Xưởng tag Nhãn mác, Tag Nhãn Mác… Người nhìn dễ dàng nhận thấy các lời mời quảng cáo hấp dẫn với đa dạng mẫu mã các loại tem, nhãn như dệt, thêu, in... từ tem, nhãn sử dụng cho quần áo, giày dép thậm chí cả đồng hồ... Đặc biệt,ngay cả các loại tem, nhãn của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như như Zara, Chanel, Gucci, Lacoste, Levis’s… cũng đều có. Khách chỉ cần đưa ra số lượng, các xưởng in đếu có thể cung cấp trong vòng 1 - 2 tuần trở lại.
Nếu nhìn bằng mắt thường thật khó có thể phân biệt được đâu là hàng giả, đâu là hàng thật khi chỉ nhìn sản phẩm thông qua tem, nhãn hàng.
Việc sản xuất, buôn bán tem, nhãn mác giả khiến việc buôn bán hàng giả, hàng nhái trở nên khó kiểm soát hơn. Nhìn vào thực tế, hiện nay có vô vàn quần áo dán nhãn mác là các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Calvin Klein, Louis Vuitton, Puma, Zara... với giá “bèo” từ 150.000 - 500.000 đồng, được bán tràn lan trên các trang mạng xã hội, trang thương mại điện tử...
Trong hội thảo “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam - Nguy cơ, thách thức và giải pháp” được tổ chức mới đây tại TP.HCM, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã đưa ra nhiều thông tin cảnh báo về vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng được bày bán tràn lan tại nhiều cửa hàng, mạng xã hội…
Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, theo số liệu thống kê thì các mặt hàng được làm giả, bán tràn lan trên thị trường nhiều nhất là các loại thực phẩm chức năng, trang sức, quần áo, đồ công nghệ... Trong đó, có nhiều mẫu mã hàng hoá nhái mang thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Nếu là hàng chính gốc thì một sản phẩm phải lên đến hàng trăm triệu đồng 1 chiếc. Thế nhưng nhiều trang mạng xã hội chỉ rao bán với giá vài chục triệu, thậm chí vài triệu đồng và gắn với cái mác hàng xách tay. Nhiều người ham rẻ, nhẹ dạ cả tin nên bỏ tiền ra mua đã bị mắc lừa hàng giả, hàng kém chất lượng đã tìm đến các cơ sở chính thống để đòi bảo hành nhưng không được.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo