Căng thẳng Nga-Ukraine leo thang: Vàng lập đỉnh, giá dầu tăng cao, bitcoin, chứng khoán trượt dốc
Trong bối cảnh Nga và Ukraine leo thang căng thẳng, nhà đầu tư có xu thế mua mạnh tài sản an toàn như vàng, bán mạnh tài sản rủi ro như Bitcoin. Bên cạnh đó, chứng khoán không nằm ngoài vòng ảnh hưởng này, các chỉ số của Việt Nam và thế giới chìm sắc đỏ.
Vàng lập đỉnh, Bitcoin sụt giá hơn 6%
Thị trường tiền điện tử tiếp tục chìm trong sắc đỏ sau khi loạt đồng tiền điện tử giá trị như Bitcoin, Ethereum, BNB, Solana, Cardano đồng loạt giảm mạnh.
Tổng giá trị vốn hóa vào chiều nay (22/2) ở mức 1.660 tỷ USD, giảm 7,55% so với 24 giờ trước đó.
Vào thời điểm 15h30 ngày 12/2 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin theo ghi nhận của CoinMarketCap đang giao dịch ở mức 36.845 USD, giảm 6,15% so với thời điểm cách đó 24 tiếng và 15,54% so với 7 ngày trước.
Dữ liệu của CoinMarketCap cho thấy khối lượng giao dịch Bitcoin trong khoảng 24 giờ qua là hơn 32,6 tỷ USD. Vốn hóa của đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới hiện lùi về 696,4 tỷ USD.
Không chỉ Bitcoin, đồng tiền điện tử có giá trị vốn hoá lớn thứ 2 là Ethereum trong 24 giờ qua cũng giảm 7,20% còn 2.539 USD, vốn hóa đạt 300,5 triệu USD.
Sự mất giá mạnh của Bitcoin và nhiều đồng tiền kỹ thuật số quan trọng khác đã khiến tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền điện tử giảm 7,55% lùi về 1.660 tỷ USD.
Theo giới phân tích, trong bối cảnh Nga và Ukraine leo thang căng thẳng, nhà đầu tư có xu thế mua mạnh các tài sản an toàn như vàng và bán mạnh tài sản rủi ro như Bitcoin.
Trái ngược với biến động của thị trường tiền điện tử, căng thẳng Ukraine kéo giá kim loại quý lên đỉnh 9 tháng. Giá vàng giao ngay tăng 20 USD trong 24 giờ qua, có lúc lên tới 1.915 USD một ounce.
Giá vàng thế giới vào ngày 22/2 (giờ Việt Nam) niêm yết tại Kitco là 1.914 USD/ ounce, tương đương khoảng 52,6 triệu đồng/ lượng.
Việc căng thẳng địa chính trị leo thang trong thời gian vừa qua đã làm gia tăng sức hấp dẫn của kim loại quý như một công cụ trú ẩn an toàn. Theo báo cáo mới đây, hợp đồng vàng tương lai trên sàn Comex đã tăng thêm 34.296 hợp đồng lên mức 151.530. Trong khi đó, vị thế bán đã giảm 3.943 hợp đồng xuống còn 43.824.
Hầu hết các nhà phân tích đều nhận định rằng nếu căng thẳng địa chính trị tiếp tục gia tăng, thì giá vàng có khả năng giữ mức tăng hơn 1.900 USD. Ngược lại, nếu căng thẳng bắt đầu hạ nhiệt, giá vàng có thể sẽ không dễ dàng giữ được mức tăng như thời gian vừa qua.
Giá dầu nhảy vọt, chứng khoán trượt dốc
Dầu thô Brent kỳ hạn tăng 4% lên 97,35 USD, mức cao nhất kể từ tháng 9/2014. S&P 500 kỳ hạn giảm 2% và Nasdaq kỳ hạn giảm 2,7%.
Giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế tăng 1,52% lên 96,84 USD/thùng. Dầu thô giao sau của Mỹ tăng 3,22% lên 94 USD/thùng.
Giá dầu thô gần đây đã vượt ngưỡng 90 USD/thùng, tăng hơn 20% trong năm nay và tăng hơn 80% kể từ đầu năm 2021. Ngoại trừ yếu tố chính trị bất ổn, mức tăng này cũng được hỗ trợ bởi yếu tố nguồn cung thắt chặt.
Theo ông Andy Lipow, chủ tịch của Lipow Oil Associates, dầu có thể tăng vọt lên 110 USD/thùng nếu khủng hoảng tồi tệ hơn.
Nhờ mức tăng vọt của giá dầu, cổ phiếu của các công ty dầu mỏ đều tăng trong phiên giao dịch sáng 22/2. Cụ thể, Beach Energy ở Úc tăng 2,7% trong khi Santos tăng 3,86%. Tại Nhật Bản, cổ phiếu của Japan Petroleum Exploration tăng 1,72%. Cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong của PetroChina tăng 1,22%.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu (.STOXX) giảm 1,3% xuống mức thấp nhất trong 4 tháng, trong khi đồng rúp của Nga tăng giá và chỉ số vốn chủ sở hữu MOEX của Nga (.IMOEX) giảm 10,5%.
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong dẫn đầu mức thua lỗ trong khu vực, giảm 3,4% trong giao dịch buổi sáng. Cổ phiếu của Alibaba niêm yết tại Hong Kong đã giảm 5,22%, nguyên nhân do 1 bài báo của Bloomberg về việc các nhà chức trách Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng và công ty nhà nước báo cáo về hoạt động với Ant Group.
Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa 1 phiên vào sáng 22/2, tuy nhiên các động thái liên quan tới hợp đồng tương lai trong đêm ngày 21/2 đã cho thấy các khoản lỗ với giới đầu tư phố Wall trước khi thị trường mở cửa trở lại.
Các động thái này một lần nữa chứng minh tầm ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine lên tâm lý thị trường, với các chỉ số trung bình chính đều công bố các khoản lỗ liên tiếp hàng tuần. Chỉ số Dow giảm 1,9% trong tuần trước, còn S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 1,6% và 1,8%.
Tại thị trường chứng khoán trong nước, những thông tin căng thẳng chính trị Nga – Ukraine đã tác động tiêu cực tới chứng khoán Châu Á sáng nay và thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Sau ít phút hồi phục vào giữa phiên sáng, áp lực bán đã tăng lên đáng kể khiến các chỉ số đồng loạt giảm sâu. Căng thẳng giữa Nga và Ukraina cũng đã khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan, thị trường bao phủ bởi sắc đỏ và chốt phiên có hơn 650 mã cổ phiếu bị rớt giá trong ngày hôm nay (22/2).
Chốt phiên giao dịch ngày 22/2, sàn HOSE có 147 mã tăng và 319 mã giảm, VN-Index giảm 7,37 điểm (-0,49%), xuống 1.503,47 điểm.
Chỉ số HNX-Index giảm 6,56 điểm (-1,49%) xuống 434,43 điểm. Toàn sàn có 68 mã tăng, 176 mã giảm và 39 mã đứng giá. UPCOM-Index giảm 0,66 điểm (-0,58%) xuống 113,01 điểm.