Căn hộ 500 triệu đồng có thực, người có nhu cầu có thể mua?
Theo một khảo sát để biết mức giá căn hộ thật sự phù hợp với túi tiền của mọi người là bao nhiêu, nhiều người chọn mức giá 500 triệu đồng. Tuy nhiên, cùng với đó là đi kèm nhiều bình luận rằng muốn mua căn hộ như vậy khó như mò kim đáy bể.
Khả thi căn hộ 500 triệu đồng?
Thông tin trước đó cho thấy, cách đây khoảng 5 năm, khi việc phát triển nhà ở xã hội được đẩy mạnh, những căn hộ diện tích nhỏ đã được xây dựng, chỉ khoảng 25-30 m2, với mức giá khoảng 12-15 triệu đồng/m2, giá bán còn chưa tới 500 triệu đồng/m2.
Ở TP.HCM, Bình Dương đã có. Còn ở phía Bắc, các khu vực như Bắc Ninh, hoặc một số khu vực ngoại thành cũng đã có. Tại Hà Nội, những căn hộ nhà ở xã hội khoảng 4 -50 m2 ở khu vực Tam Trinh, Hoàng Mai, với giá bán 14-15 triệu đồng/m2. Tổng giá thành chỉ khoảng 700-800 triệu đồng/căn - một mức giá rất đáng mơ ước ở Hà Nội.
Vậy 500 triệu đồng có mua được căn hộ không và có thể tìm mua ở đâu? Việc xây căn hộ 500 triệu sẽ được triển khai ở những khu vực nào, trong bán kính bao nhiêu km tại trung tâm các thành phố lớn?
Trong chương trình LandShow tối 30/6 có chủ đề: "Mua căn hộ 500 triệu ở đâu?”, khách mời của chương trình, ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết trên thị trường căn hộ hiện nay có 2 dòng sản phẩm chính là nhà ở thương mại và nhà ở xã hội.
Về mặt nguyên tắc thì nhà ở xã hội được nhà nước hỗ trợ ưu đãi như: Ưu đãi về tiền sử dụng đất (miễn tiền sử dụng đất); được giảm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 50% so với các loại hình nhà ở thương mại bình thường; cùng với đó là tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Ngoài ra, chủ đầu tư được dành một phần đất trong dự án nhà ở xã hội để đầu tư nhà ở thương mại nhằm mục đích bù đắp chi phí cho dự án nhà ở xã hội, qua đó giảm giá dự án nhà ở xã hội.
Ông Hưng nhấn mạnh: “Nhà ở xã hội được nhà nước khống chế về mặt biên lợi nhuận - khoảng 10% so với tổng số vốn mà chủ đầu tư bỏ ra. Cho nên về mặt nguyên tắc dự án nhà ở xã hội có giá rẻ hơn so với nhà ở thương mại tại cùng thời điểm, thời kỳ và có cùng về chất lượng”.
Do đó giá thành nhà ở xã hội phụ thuộc vào suất vốn đầu tư. Theo ông Hưng, suất vốn đầu tư của Bộ Xây dựng đưa ra vào thời điểm năm 2020, các dự án nhà ở có chiều cao 5 tầng và không có tầng hầm cho đến các tòa chung cư có chiều cao khoảng 20-24 m với 2 tầng hầm thì suất đầu tư khoảng 6,7-12,2 triệu đồng/m2.
Ông Hưng cho biết: “Nhà ở xã hội có diện tích nhỏ nhất là 25 m2 và lớn nhất là 70 m2 thì, với suất đầu tư nói trên hoàn toàn có tính ra được những căn hộ chung cư có thể ở mức 500 triệu đồng”.
Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản cho rằng, thực tế thời gian qua nhiều chủ đầu tư đã bán các dự án nhà ở xã hội với mức giá trong khoảng này. Ví dụ nhà ở xã hội Kim Chung (Hà Nội) của Viglacera được bán với mức giá 13 triệu đồng/m2, khu Thanh Lâm Đại Thịnh của Tổng công ty xây dựng nhà ở Hà Nội được bán với mức giá 11,5 triệu đồng/m2. Mới đây nhất VinGroup đã công bố kế hoạch sẽ xây dựng 500.000 căn nhà ở xã hội với mức giá từ 350-950 triệu đồng ở các vùng ven Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…
Ngoài Hà Nội thì có những dự án giá khoảng 7,1 triệu đồng ở Quảng Ninh, 8,7 triệu đồng tại Đồng Nai, Bình Dương… nếu nhân với diện tích 40-50 m2 thì giá tiền cũng khoảng 500-600 triệu đồng.
“Việc xây dựng các căn hộ có mức giá 500 triệu đồng là hoàn toàn khả thi”, ông Hà Quang Hưng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với ông Hưng, khách mời LandShow tối qua, bà Nguyễn Hoa Hồng Nhung - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng NHS cho rằng giá bán căn hộ phụ thuộc rất nhiều vào phần diện tích, vị trí của tòa nhà.
“Tôi nghĩ mức 500 triệu đồng cũng có thể xây dựng được tùy vào nhu cầu ở của khách hàng có thể chọn lựa ở phân khúc nào”, bà Nhung cho biết.
Người có nhu cầu có thể mua?
Về thực tế những căn hộ giá thấp trên thị trường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng NHS cho biết hiện công ty đang bán những căn hộ diện tích trên dưới 40 m2 với mức giá khoảng 600-700 triệu đồng. Còn với những nghi ngại về chất lượng của những căn hộ này, theo bà Nguyễn Hoa Hồng Nhung nhấn mạnh những công trình bán ra được đều có thiết kế đẹp, chất lượng tốt, đảm bảo sổ đỏ cho khách.
“Nếu muốn mua nên theo dõi trên website của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng, tất cả các dự án bên NHS bán ra đều có thông tin”, bà Nhung cho biết.
Nói thêm về cách thức tìm nhà ở xã hội, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản cho biết khi người dân có nhu cầu, kênh thông tin đầu tin nên tìm hiểu là cổng thông tin của Sở Xây dựng nơi đang sinh sống. Trên đó sẽ có đầy đủ các thông tin dự án nhà ở xã hội đang triển khai trên địa bàn. Dự án nào đã đủ điều kiện được bán trên cổng sẽ có đẩy đủ.
“Đây là kênh thông tin chính thức nên tham khảo”, ông Hà Quang Hưng khuyến nghị.
Người dân khi tìm được thông tin dự án muốn mua phải chuẩn bị một bộ hồ sơ, trong đó khẳng định mình là người đúng đối tượng, điều kiện với các tiêu chí: Phải là một trong 8 nhóm đối tượng được quy định trong điều 49 Luật Nhà ở; có khó khăn về nhà ở; phải là người có thu nhập thấp; phải là người có sổ hộ khẩu hoặc có thường trú trên 1 năm tại địa điểm có dự án đó, ông Hưng cho hay.
Cùng với đó, ông Hưng thông tin: “Sau khi làm hồ sơ, chủ đầu tư sẽ xét trên cơ sở hồ sơ, nếu đạt yêu cầu sẽ chuyển lên sở Sơ Xây dựng. Sở sẽ có trách nhiệm rà soát xem người mua có đúng đối tượng được mua không. Nếu đủ điều kiện, Sở Xây dựng sẽ chuyển lại cho chủ đầu tư”.
Về chất lượng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản nhấn mạnh chất lượng nhà ở xã hội được pháp luật quy định là như nhà ở thương mại, chỉ khác là có diện tích từ 25-70 m2.
Song song đó, ông Hưng khẳng định: “Về mặt kết cấu, độ bền, tuổi thọ, quy chuẩn tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật của nhà ở xã hội giống như nhà ở thương mại. Nhà ở xã hội có thể khác với nhà ở thương mại đó là vật liệu hoàn thiện, thiết bị đi kèm trong nhà để giảm giá thành. Về mặt kết cấu, không chủ đầu tư nào có thể giảm vì ngoài các tư vấn giám sát còn có cơ quan chức năng của nhà nước tham gia vào quản lý chất lượng dự án”.
Chất lượng nhà ở xã hội tương đương nhà ở thương mại
Nhà báo Nguyễn Hữu Hưng, Nguyên trưởng Đại diện Cơ quan thường trú Đài THVN tại Singapore cũng là khách mời trong chương tình LandShow tối ngày 30/6 đã thông tin về cách mà Singapore quản lý nhà ở xã hội.
Ông Hưng chia sẻ, tại Singapore, nhà ở xã hội do chính phủ xây dựng cho người dân có 2 hình thức mà người dân có thể mua.
Thứ nhất là BTO, theo hình thức này Chính phủ lập dự án và người dân có thể đăng ký trước, sau đó 4-5 năm người dân có thể lấy được nhà. Phương án này mất khá nhiều thời gian và phải đạt một số tiêu chí để đăng ký mua nhà.
Thứ hai là thị trường bán lại các căn hộ chung cư đã sử dụng. Tiêu chí để bán lại là người chủ phải đã ở đó 5 năm, sau đó tạo ra thị trường sôi động
Tại Singapore, với nhà ở xã hội chính phủ nước này đảm bảo người dân có thể tiếp cận được, mua được các chính sách. Nước này có nhiều chính sách nếu người dân muốn mua nhà ở xã hội như thông qua các khoản tài trợ tùy theo điều kiện: thu nhập bao nhiêu, nhà có mấy người…
Nhà báo Nguyễn Hữu Hưng cho biết: “Ví dụ khi mua 1 căn nhà khoảng 300.000 USD, Chính phủ có thể hỗ trợ đến 80.000 USD, sau đó ngân hàng cho vay tiếp, người mua chỉ phải trả khoản ban đầu khoảng 20.000 USD. Số tiền nợ có thể trả dần trong 30 năm”.
Tại Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản Hà Quang Hưng cũng cho biết sau khi đã nộp đủ tiền và đã ở nhà đấy 5 năm, người sử dụng đầu tiên sẽ được bán lại nhà ở xã hội đó ra thị trường như nhà ở thương mại. Còn trong vòng 5 năm, người chủ chỉ được bán cho đúng đối tượng là người được mua nhà ở xã hội.
Bùi Hằng