Cam Cao Phong: Thương hiệu vàng nông sản Việt Nam
Không chỉ được bảo hộ trên toàn lãnh thổ quốc gia, cam Cao Phong còn là 1 trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ tại EU.
Huyện Cao Phong tỉnh Hòa Bình có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây cam. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, cam đã được trồng thành vùng tại đây. Với chất lượng thơm ngon đặc trưng, cam Cao Phong từng được xuất khẩu sang Liên Xô. Sau đó, vì nhiều nguyên nhân, diện tích, sản lượng cam giảm dần. Trước tình hình đó, huyện Cao Phong đã chỉ đạo vực dậy cây cam tại đây.
Lịch trình phát triển của sản phẩm cam Cao Phong được đề ra rõ ràng, chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu để có khả năng nhận diện, cạnh tranh trên thị trường. Từ năm 2010 – 2015, cam Cao Phong bắt đầu giai đoạn sản xuất theo tiêu chuẩn, xây dựng thương hiệu. Từ năm 2015-2020 iếp tục bảo vệ thương hiệu, phát triển chỉ dẫn địa lý, nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả diện tích cây có múi đã được quy hoạch.
Để làm được điều này, tỉnh Hòa Bình đã phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tích cực ứng dụng khoa học – kĩ thuật, huy động các nguồn lực liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Các khâu quy hoạch, đầu vào, kỹ thuật trồng, chăm sóc, hỗ trợ vay vốn, đầu ra của cam Cao Phong được thực hiện bài bản. Diện tích và sản lượng cam tăng mạnh theo thời gian. Từ 557 ha, giờ đây diện tích cam đã lên đến tên 1200 ha. Sản lượng từ 9.000 tấn lên đến16.500 tấn. Bên cạnh đó, chất lượng cam cũng tăng mạnh, từ năm 2014, huyện triển khai sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP với 235 hộ tham gia, diện tích 248,36 ha, hiện nay đã có 759 hộ tham gia.
Với những bước đi đúng đắn, bài bản, cam Cao Phong dần khẳng định chất lượng, ưu thế vượt trội trên thị trường. Năm 2007, cam Cao Phong được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận logo nhãn hiệu hàng hóa, được Tạp chí Thương hiệu Việt bình chọn top 100 thương hiệu Việt. Năm 2010, được Hội Sở hữu trí tuệ cấp bằng công nhận nhãn hiệu cạnh tranh Việt Nam.
Đặc biệt, vào tháng 11/2014, Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho 4 giống cam (CS1, Xã Đoài lùn, Xã Đoài cao, cam Canh) tại thị trấn Cao Phong và 5 xã. Đây là hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cao nhất dùng cho các sản phẩm có chất lượng đặc thù do các điều kiện địa lý của khu vực đó quyết định.
Sự kiện này là bước đột phá, tạo lập vị thế nông sản đặc trưng, nổi bật, mở ra nhiều cơ hội vươn ra thị trường lớn, là bước ngoặt trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu cam Cao Phong. Sản phẩm có mẫu mã đẹp, mọng nước, vị ngọt thanh mát đặc trưng nên ngày càng được thị trường ưa chuộng.
Hơn 6 năm qua, cam Cao Phong vẫn là sản phẩm đầu tiên và duy nhất của tỉnh được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, khẳng định là thương hiệu nông sản mạnh nhất của tỉnh, niềm tự hào của tỉnh Hòa Bình.
Bắt đầu từ vị thế là nông sản địa phương ít người biết, cam Cao Phong đã và đang trở thành thương hiệu sáng giá, một trong những "thương hiệu vàng" nông nghiệp Việt Nam, khắc được chữ tín với khách hàng miền Bắc và đang vươn tới miền Nam. Kênh tiêu thụ sản phẩm ngày càng đa dạng, chuyên nghiệp.
Hiện nay, cam Cao Phong đã có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị lớn như Big C, Vinmart, Metro, Intimex... Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng đã từng chọn cam Cao Phong là món tráng miệng phục vụ hành khách hạng thương gia trên các đường bay nội địa và quốc tế. Hoạt động mua bán online đối với sản phẩm cam Cao Phong cũng rất sôi động.
Việc xây dựng được thương hiệu cho cam Cao Phong có ý nghĩa quan trọng giúp chấm dứt tình trạng nhầm lẫn loại nông sản này với các sản phẩm cam Vinh hay cam Trung Quốc, đồng thời giúp sản phẩm của người nông dân Cao Phong phải chịu lép vế, ép giá khi đưa nông sản ra thị trường... Không chỉ vậy, từ khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, quy mô sản xuất hàng hóa và hiệu quả kinh tế của cam Cao Phong đã tăng mạnh.
Cam Cao Phong ngày càng chứng tỏ ưu thế vượt trội so với các loại cam trên thị trường. Từ chỗ chỉ là một huyện miền núi thuần nông, mảnh đất Cao Phong với sự phát triển mạnh mẽ của cây cam đã không chỉ trở thành vựa cam của tỉnh mà còn là một điển hình thành công trong phát triển cây có múi của cả nước.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo