Các quốc gia có phản ứng như thế nào về quyết định cắt giảm sản lượng dầu mỏ?
Mới đây, các Bộ trưởng Năng lượng OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ toàn cầu ở mức 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11 tới.
Hãng thông tấn quốc gia Kuwait (KUNA) ngày 16/10 dẫn lời Giám đốc điều hành Tập đoàn xăng dầu Kuwait (KPC) - ông Sheikh Nawaf al-Sabah - bày tỏ hoan nghênh quyết định của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác, còn gọi là OPEC+, về cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ toàn cầu ở mức 2 triệu thùng/ngày.
Ông Sabah cũng khẳng định lại mong muốn của Kuwait về việc duy trì trạng thái cân bằng trên thị trường dầu mỏ vì lợi ích của cả người tiêu dùng và các nhà sản xuất.
Quan chức KPC đánh giá những quan ngại ngày càng lớn về kinh tế và triển vọng tăng trưởng chậm chạp trên toàn cầu đã gây thêm xáo trộn đối với cán cân cung cầu dầu mỏ.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia - Hoàng tử Khalid bin Salman - cùng ngày tuyên bố các quyết định của OPEC+ về cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ được đưa ra một cách thống nhất và đơn thuần vì lý do kinh tế.
Trước đó, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul-Gheit ngày 14/10 đã lên tiếng ủng hộ Saudi Arabia cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ.
Ông Aboul-Gheit cũng lên án chiến dịch truyền thông gay gắt được triển khai nhằm vào Riyadh sau quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+.
Tổng thư ký AL nêu rõ những thông tin này nhằm chính trị hóa các quyết định đơn thuần về kinh tế cần thiết cho sự ổn định của nền kinh tế thế giới trước những thách thức nguy hiểm hiện nay.
Thông cáo của Công ty tiếp thị dầu mỏ Iraq (SOMO) ngày 16/10 khẳng định những quyết định của OPEC+ đều dựa trên những chỉ số kinh tế và được thống nhất đưa ra.
Bên cạnh đó, thông cáo của SOMO nêu rõ: “Các quốc gia OPEC+ hoàn toàn đồng thuận rằng cách tiếp cận tốt nhất để giải quyết tình hình thị trường dầu mỏ trong giai đoạn bất ổn và thiếu rõ ràng hiện nay là cách tiếp cận ưu tiên cho mục tiêu ổn định thị trường và mang đến cho tương lai sự định hướng cần thiết.”
Trước đó cùng ngày, Tổng Thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), ông Haitham al-Ghais, nhận định “thị trường dầu mỏ đang trải qua một giai đoạn biến động mạnh.”
Phát biểu trên được ông Al Ghais đưa ra trong chuyến công du 2 ngày tới Algieria. Theo ông, mục tiêu của OPEC và các nhà sản xuất bên ngoài tổ chức này là duy trì sự ổn định của thị trường.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Algeria Mohamed Arkab cũng có chung nhận định khi cho rằng quyết định gần đây của OPEC về cắt giảm sản lượng là biện pháp nhằm ổn định thị trường.
Tổng Thư ký OPEC đã nhiều lần bảo vệ quyết định cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ của OPEC+. Ông khẳng định biện pháp này sẽ giúp OPEC+ đảm bảo nguồn cung để đối phó với với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.
Trong khi đó, các nước phương Tây phản đối quyết định của OPEC+, cho rằng giá năng lượng tăng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu vốn đã mong manh.
Trong cuộc họp chính sách hôm 5/10 tại Vienna (Áo), các Bộ trưởng Năng lượng OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ toàn cầu ở mức 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11 tới.
Đây là lần cắt giảm sản lượng nhiều nhất của OPEC+ kể từ năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, bất chấp lo ngại động thái này có thể đẩy lạm phát tăng cao hơn và khiến các ngân hàng trung ương tăng lãi suất mạnh hơn.
Trong dự báo cách đây vài ngày, OPEC ước tính nhu cầu dầu mỏ của thế giới sẽ tăng thêm 2,64 triệu thùng/ngày trong năm nay, tức giảm 460.000 thùng so với dự báo công bố hồi tháng 9.
OPEC cũng hạ mức tăng trưởng nhu cầu của thế giới trong năm 2023 xét trên những đánh giá triển vọng khó đoán định về kinh tế thế giới, trong bối cảnh có nhiều nền kinh tế lớn đã rơi vào suy thoái.
Hải Anh