Các 'ông lớn' ngành dầu mỏ ở Canada đẩy mạnh đầu tư vào các dự án giảm phát thải
Được biết, các doanh nghiệp thuộc Liên minh Pathways - chiếm khoảng 95% sản lượng cát dầu của Canada - có kế hoạch chi hơn 24 tỷ CAD cho các dự án giảm khí thải trong thời gian từ nay tới năm 2030.
Trong kế hoạch trên, các doanh nghiệp sẽ đầu tư 16,5 tỷ CAD cho một mạng lưới lưu trữ và thu giữ carbon (CCS) khổng lồ ở miền Bắc Alberta. Và 7,6 tỷ CAD dự kiến sẽ được chi để thúc đẩy các công nghệ giảm phát thải khác, triển khi nghiên cứu về thu khí trực tiếp, năng lượng địa nhiệt.
Sáu công ty trong Liên minh Pathways (gồm Canadian Natural Resources Ltd., Cenovus Energy Inc., Imperial Oil Ltd., MEG Energy Corp., Suncor Energy Inc. và ConocoPhillips Canada) đã khởi động tiến trình tham vấn và lên phương án kỹ thuật cho dự án CCS, mà trọng tâm là tuyến vận tải thu gom CO2 từ hơn 20 cơ sở cát dầu để chuyển đến một trung tâm lưu trữ ngầm gần Cold Lake, Alberta.
Chủ tịch Liên minh Pathways, Kendall Dilling, nhấn mạnh về mức độ khẩn trương và tập trung của các doanh nghiệp để đạt được mức phát thải ròng bằng 0. “Điều đó chưa từng có trong 30 năm tôi làm trong ngành”, ông nói. Các Giám đốc điều hành của các công ty khai thác cát dầu hiểu rằng sẽ không có tương lai lâu dài trong lĩnh vực kinh doanh này nếu không giải quyết vấn đề phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp.
Một phân tích gần đây của Viện Pembina cho rằng các công ty đã thực hiện rất ít cam kết giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, mặc dù đã đạt được lợi nhuận kỷ lục vào năm 2022. Viện Pembina chỉ trích tình trạng thiếu minh bạch xung quanh kế hoạch của doanh nghiệp để đạt được phát thải ròng bằng 0. Ông Dilling phản bác rằng các công ty đã cùng nhau chi hàng tỷ CAD trong những năm qua thông qua một nhóm có tên là Liên minh đổi mới trong lĩnh vực cát dầu của Canada, hiện đã hợp thành Pathways.
Theo ông Dilling, xu hướng chuyển đổi năng lượng trên toàn cầu sẽ trở thành một cuộc cách mạng công nghiệp. Hàng nghìn tỷ CAD sẽ phải được đầu tư để khử carbon cho các hệ thống năng lượng toàn cầu. Canada được cho là có nhiều cơ hội trong quá trình chuyển đổi đó, khi đang đi đầu trong lĩnh vực CCS.
Canada có thể trở thành nhà cung cấp dầu mỏ toàn cầu chủ chốt
Trong lần đánh giá đầu tiên về các chính sách năng lượng của Canada kể từ năm 2015, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết: Vai trò của nước này như là nhà sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu năng lượng lớn đã thể hiện "cả thách thức và cơ hội" để đạt được mục tiêu khử carbon.
Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau đã cam kết tới năm 2030 cắt giảm 40-50% lượng khí thải carbon so với mức của năm 2005 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Lĩnh vực năng lượng đóng góp 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Canada. Dầu khí chiếm 26% lượng phát thải khí nhà kính của đất nước và là lĩnh vực phát thải cao nhất trong nền kinh tế.
Giám đốc IEA, Fatih Birol, đã đánh giá cao những nỗ lực của Canada cho đến nay trong việc cắt giảm khí thải carbon nhưng cho rằng vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa.
Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Canada, Jonathan Wilkinson cũng cho rằng nước này cần phải cắt giảm cả cường độ phát thải của lĩnh vực dầu khí và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.
Bên cạnh đó, bà Sonya Savage, người đứng đầu ngành năng lượng của tỉnh Alberta và là nơi sản xuất dầu chính của Canada, cho biết rằng: Bà hài lòng khi IEA thừa nhận rằng việc tiêu thụ dầu và khí đốt sẽ tiếp diễn và tầm quan trọng của dầu khí đối với nền kinh tế Canada.
An Như