0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ tư, 27/04/2022 08:40 (GMT+7)

Dầu mỏ Nga xuất khẩu đạt 'tốc độ kỷ lục'

Hiện xuất khẩu dầu mỏ của Nga đang đạt "tốc độ kỷ lục" trong tháng 4 và doanh thu từ hoạt động này "có khả năng cao hơn đáng kể" so với cùng kỳ năm trước.

Tạp chí Foreign Policy mới đây dẫn phân tích của các chuyên gia từ Viện Tài chính Quốc tế Mỹ (IIF) cho biết xuất khẩu dầu mỏ của Nga đang đạt "tốc độ kỷ lục" trong tháng 4 và doanh thu từ hoạt động này "có khả năng cao hơn đáng kể" so với cùng kỳ năm trước.

Phó Kinh tế trưởng IIF Elina Rybakova nhận định thặng dư hiện tại của Nga có thể sẽ tiếp tục gia tăng đáng kể. Các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào lĩnh vực than đá khó có thể thay đổi được xu hướng này, do xuất khẩu than đá chỉ đóng vai trò nhỏ so với dầu mỏ và khí đốt. Như vậy, cơ chế trừng phạt hiện nay giúp Nga tái cơ cấu hoạt động tích lũy tài sản nước ngoài hơn là ngăn chặn.

Dầu mỏ Nga xuất khẩu đạt “tốc độ kỷ lục” - Ảnh 1
Ảnh minh họa. (Ảnh: TASS/TTXVN).

Tạp chí Foreign Policy cũng dẫn đánh giá của các chuyên gia cho rằng các biện pháp trừng phạt chống Nga "có thể có tác dụng lâu dài", tuy nhiên các nỗ lực này bị suy yếu nghiêm trọng khi một số quốc gia dù tham gia trừng phạt Nga vẫn tiếp tục mua năng lượng từ nước này.

Tạp chí này cũng dẫn lời cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Edward Fishman cho biết một số quốc gia châu Âu gửi viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng mức hỗ trợ thấp hơn so với các khoản tiền thanh toán khí đốt và dầu mỏ của Nga.

Theo ông Fishman, Nga "tiếp tục thu về ít nhất 1 tỷ USD mỗi ngày từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt và phần lớn doanh thu đó đến từ châu Âu".

EU muốn giảm phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga vào cuối năm nay

Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Paolo Gentiloni ngày 26/4 cho biết Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu giảm mạnh sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga vào cuối năm nay và tiến tới chấm dứt hoàn toàn vào cuối năm 2027.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Il Messaggero ngày 26/4, ông Gentiloni khẳng định EU sẽ hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 từ mục tiêu trước đó là 4%, mặc dù vậy vẫn còn quá sớm để kết luận tốc độ tăng trưởng chậm chạp sẽ dẫn đến tình trạng trì trệ. EU sẽ công bố Dự báo mùa Xuân vào ngày 16/5.

Nga là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho châu Âu. Năm 2020, Nga cung cấp 26% lượng dầu mỏ nhập khẩu của châu lục này. Trong khi đó, Nga đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu.

Năm 2014, EU từng thông báo sẽ đa dạng nguồn cung năng lượng nhằm giảm dần phụ thuộc vào Nga, tuy nhiên sau 8 năm, chưa có nhiều tiến triển trong lĩnh vực này.

Sau khi Nga triển khai chiến dịch đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022, một số quốc gia EU đã có động thái mạnh mẽ hơn nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt đối với kinh tế Nga, bao gồm lĩnh vực năng lượng.

Đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối tháng 3/2022 đã ký sắc lệnh yêu cầu tất cả hợp đồng cung cấp khí đốt với những doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại các quốc gia "không thân thiện" chỉ được thanh toán bằng đồng Ruble bắt đầu từ ngày 1/4.

Yêu cầu của Nga khiến các khách hàng châu Âu rơi vào tình thế khó xử: từ chối thanh toán bằng đồng Ruble và đối mặt nguy cơ không nhận được khí đốt, hoặc tuân thủ và chịu rủi ro giá cao hơn khi các hợp đồng được đàm phán lại, các giao dịch dài hạn có lợi hơn bị hủy bỏ. Điều này đã khiến các đối tác đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt này.

EU chưa đồng thuận về lệnh cấm vận hoàn toàn dầu khí của Nga

Các nước thành viên EU vào thời điểm này, chưa đi đến thống nhất về lệnh cấm vận hoàn toàn dầu khí của Nga.

Theo tờ Die Welt của Đức số ra ngày 25/4 dẫn lời Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết một lệnh cấm vận hoàn toàn hay áp đặt thuế trừng phạt đối với dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu của Nga chưa nhận được đủ sự ủng hộ từ các quốc gia thành viên.

Ông Borrell cho biết, vào thời điểm này, các nước thành viên EU chưa đi đến thống nhất vấn đề đó. Đề xuất cuối cùng về một lệnh cấm vận dầu mỏ và khí đốt vẫn chưa được đặt trên bàn. Nếu đạt được sự thống nhất và lệnh cấm được thực thi, Nga sẽ mất đi nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt.

Vấn đề trên sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh của EU diễn ra vào cuối tháng Sáu tới và quyết định cuối cùng sẽ chưa được ra trước thời điểm đó, ông Borrell nói.

Xuất khẩu dầu mỏ là nguồn ngoại tệ chính của Nga và nhiều thành viên EU đã kêu gọi ngừng thanh toán tiền mua dầu mỏ cho Nga vì số tiền này đang được sử dụng cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Một số nước EU đang thúc đẩy gói trừng phạt thứ 6 chống Nga và EU đang chuẩn bị một bản đánh giá đầy đủ về tác động của một lệnh cấm dầu mỏ như một phần của các biện pháp trừng phạt bổ sung tiềm tàng.

Tờ Die Welt đưa tin Ủy ban châu Âu có thể sẽ đưa ra đề xuất về gói trừng phạt thứ 6 với những nước thành viên trong tuần này.

Tất cả các nước thành viên EU đang nỗ lực để giảm thiểu sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga. Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), Nga là nguồn cung dầu mỏ lớn nhất của EU, chiếm khoảng 1/4 lượng dầu nhập khẩu của khối này vào năm 2020.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Dầu mỏ Nga xuất khẩu đạt 'tốc độ kỷ lục'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới