Bộ trưởng Tài chính: Đã thu gần 5.000 tỷ đồng từ kinh doanh trên mạng
Nhiều doanh nghiệp như Microsoft, Google, Facebook đã nộp thuế hàng trăm tỷ đồng khi kinh doanh tại Việt Nam. Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục tăng cường thu thuế trên mạng.
Gần 5.000 tỷ đồng tiền thuế từ kinh doanh trên môi trường mạng
Giải trình thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm trong phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã chia sẻ thông tin về việc thu thuế qua mạng cũng như vấn đề thuế phí với xăng dầu.
Trả lời chất vấn về việc thu thuế bán hàng online trên mạng xã hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Bộ đã chủ động, chỉ đạo quản lý đối với dòng thuế này.
Trong thời gian qua, ngành thuế đã thu gần 5.000 tỷ đồng từ kinh doanh trên môi trường mạng. Chẳng hạn các doanh nghiệp như Facebook là 1.694 tỷ đồng, Google là 1.618 tỷ đồng, Microsoft 576 tỷ đồng và thương mại xuyên biên giới 1.317 tỷ đồng...
Tổng cục thuế cũng sẽ xây dựng cổng thông tin điện tử về kê khai thuế trên môi trường mạng và xuyên biên giới. Ngày 21/3 sẽ khai trương cổng thông tin điện tử này.
Đồng thời Bộ Tài chính cũng kết nối cơ sở dữ liệu của thuế với dữ liệu dân cư của Bộ Công an lấy mã định danh dân cư làm mã định danh thuế. Ngoài ra cũng sẽ bỏ mã số ảo, tài khoản ảo trên thị trường chứng khoán.
Bộ trưởng cho biết Bộ Tài chính đang tập trung xây dựng trung tâm dữ liệu điện tử về thuế và áp dụng AI trong phân tích dữ liệu để phát hiện rủi ro về thu thuế. Ngày 31/3, sẽ áp dụng nộp thuế điện tử trên điện thoại di động thay vì đến cơ quan thuế. Và 63 tỉnh thành sẽ thực hiện hóa đơn điện tử từ 1/7.
Mỗi lít xăng phải cõng hơn 40% là thuế, phí
Người đứng đầu ngành tài chính cũng giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về giá cơ sở, thuế, phí xăng dầu hiện nay quá cao; nhiều loại thuế không phù hợp và việc thu thuế bán hàng online trên mạng xã hội.
Về vấn đề các đại lý bán lẻ xăng dầu có tình trạng hết hàng, găm hàng, treo biển hết xăng thời gian qua, Bộ trưởng Tài chính cho rằng có rất nhiều lý do từ giảm chiết khấu bằng 0%, thiếu nguồn cung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn...
"Chúng ta tìm được nguyên nhân sẽ có giải pháp khắc phục", ông nói.
Về vấn đề dự trữ xăng dầu, ông cho biết hiện nay, chúng ta vẫn chưa tách được giữa dự trữ xăng dầu quốc gia ra khỏi dự trữ thương mại. Chính cơ quan quản lý cũng không biết được trong kho của các thương nhân đầu mối có lượng hàng dự trữ quốc gia mà đang quản lý hay không.
"Đây là một lỗ hổng cần phải khắc phục bằng hệ thống dự trữ quốc gia và thương mại riêng", ông Phớc nhấn mạnh.
Về Quỹ bình ổn giá, ông cho biết trước đây tính bằng tiền, liên Bộ sẽ tính bằng dự trữ hàng để cung ứng kịp thời vì hiện nay chỉ mới trích được 300 đồng/lít.
"Về vấn đề thuế, phí xăng dầu, ông cho biết nguyên liệu đầu vào của nhiều mặt hàng nước ta như thép, dệt may... đều phụ thuộc lớn vào nước ngoài. Riêng xăng dầu chúng ta phải nhập dầu thô, năm 2021 Việt Nam nhập gần 10 triệu tấn, năm nay theo kế hoạch phải nhập hơn 7 triệu tấn, sản lượng xăng nhập khẩu là 10 triệu tấn", ông nói.
Hiện 2 nhà máy Nghi Sơn, Bình Sơn chỉ sản xuất được 5,5 triệu tấn, do đó nửa còn lại vẫn phải nhập khẩu. Khi giá dầu thô thế giới tăng cao khiến giá cơ sở trong nước tăng theo.
Về giá cơ sở xăng dầu, nếu tính giá dầu thô ở mức 130 USD/thùng loại xăng RON 92 thì giá cơ sở một lít xăng là 18.855 đồng, thuế nhập khẩu 1.508 đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt là 2.036 đồng, chi phí định mức vận chuyển là 1.050 đồng và lợi nhuận định mức là 300 đồng, mức trích quỹ bình ổn là 300 đồng, thuế môi trường là 4.000 đồng, thuế VAT là 2.805 đồng. Như vậy khi giá dầu thô 130 USD/thùng thì giá cơ sở là 30.800 đồng/lít.
"Phương án giảm thuế chỉ là một giải pháp trong nhiều giải pháp đồng bộ. Khi giá xăng dầu 130 USD/thùng thì giảm 2.000 đồng/lít với xăng thì dự kiến giảm số thu ngân sách 31.938 tỷ đồng. Khi giá dầu thô tăng, nền kinh tế bị thiệt hại", Bộ trưởng đánh giá.
Sắp tới, liên Bộ sẽ tham mưu một số giải pháp đảm bảo nguồn cung, chống buôn lậu, giảm thuế bảo vệ môi trường... để đảm bảo sản xuất, kinh doanh. Về thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ trưởng cho biết đây là một loại thuế giám thu và thuế này do nhà sản xuất xăng dầu và nhà nhập khẩu phải nộp. Thuế này đối với luật thuế quy định nhằm để tiết kiệm trong việc sử dụng xăng dầu.
Hiện tại, mỗi lít xăng phải cõng hơn 40% là thuế, phí và được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng RON 95 10%, xăng sinh học E5 RON 92 8%), thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 4.000 đồng. Ngoài ra còn các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển... chiếm 5-8%.
Chính phủ cũng vừa đề xuất giảm 2.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường trên mỗi lít xăng từ ngày 1/4.