0915 15 67 76 [email protected]
Chủ nhật, 27/06/2021 08:50 (GMT+7)

Bộ GTVT 'vào cuộc' làm rõ việc cạnh tranh giá vé máy bay

Bộ GTVT vừa quyết định thành lập Tổ công tác kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong cạnh tranh giá vé máy bay.

Quyết định thành lập Tổ công tác do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký nêu rõ thành phần Tổ công tác gồm Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Vận tải - Bộ GTVT; các đơn vị chuyên ngành của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, gồm: Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Phòng Điều tra và xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh - Bộ Công Thương; Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính.

Theo quyết định, Tổ công tác có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, nội dung và làm việc với các hãng hàng không Việt Nam về việc chấp hành quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá, đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa. Bên cạnh đó, Tổ công tác có nhiệm vụ chấn chỉnh, xử lý vi phạm hoặc đề xuất xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Cục Hàng không Việt Nam từng đề xuất bỏ trần giá vé với các đường bay nội địa có tính cạnh tranh cao.

Đặc biệt, theo quyết định của Bộ GTVT, Tổ công tác có nhiệm vụ báo cáo kết quả làm việc về Bộ GTVT; trong đó làm rõ việc chấp hành các quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá, đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa của các hãng hàng không Việt Nam; kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền về phương án xử lý những tồn tại, vướng mắc…

Bộ GTVT phân công ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam làm Tổ trưởng Tổ công tác. Tổ trưởng có trách nhiệm mời các thành viên họp và làm việc với các hãng hàng không; phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Tổ công tác, tổng hợp, báo cáo kết quả về Bộ GTVT trong quý III/2021.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái về việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines. Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính làm việc với các hãng hàng không tại Việt Nam về việc chấp hành các quy định của Luật Cạnh tranh, Luật Giá về giá bán vé máy bay.

Đây là một trong những căn cứ để Bộ GTVT ra quyết định thành lập Tổ công tác làm việc với các hãng hàng không về các nội dung về giá vé máy bay nội địa nói trên.

Liên quan đến giá vé máy bay nội địa, cách đây không lâu, trong dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng, lấy ý kiến sửa đổi Điều 116 về giá dịch vụ vận chuyển hàng không, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất bỏ trần giá vé với các đường bay nội địa có tính cạnh tranh cao.

Cụ thể, với đường bay nội địa có từ 3 hãng hàng không tham gia khai thác, hãng hàng không sẽ được quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa và thực hiện niêm yết giá theo quy định.

Với đường bay nội địa có sự tham gia khai thác cả dưới 3 hãng bay, hãng hàng không sẽ được quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản không vượt mức tối đa (trần giá vé) và thực hiện kê khai giá theo quy định của Bộ GTVT.

Hiện nay, khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông cơ bản được ban hành từ năm 2015, quy định giá trần theo cự ly của từng đường bay. Giá vé áp dụng cho 5 nhóm đường bay với mức giá vé 1,6 - 3,75 triệu đồng/vé/chiều (tùy cự ly), chưa bao gồm các khoản phí và phụ thu khác. Các hãng hàng không xây dựng dải giá với nhiều mức (thông thường có 10 - 15 mức), tương ứng với các điều kiện, giai đoạn khai thác khác nhau.

Mong muốn áp giá sàn, bỏ vé 0 đồng

Đối phó với khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành hàng không đã đề xuất áp giá trần và sàn cho vé máy bay để phù hợp hơn với tình hình thị trường. Nêu ý kiến về đề xuất này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, luật về giá quy định đối với những thị trường vẫn còn các doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh như thị trường hàng không hiện nay với 2 hãng Vietnam Airlines và VietJet Air chiếm thị phần hơn 50%, tức là chưa có cạnh tranh thực sự nên nhà nước vẫn phải quy định giá trần và không quy định giá sàn.

"Nguyên nhân là vì nếu vượt giá trần sẽ bất lợi cho người tiêu dùng, còn doanh nghiệp muốn hạ giá như thế nào tùy doanh nghiệp, chỉ có lợi cho người tiêu dùng. Do vậy, đề xuất áp giá sàn là phi lý, không phù hợp với việc cạnh tranh theo thị trường", ông Long nhấn mạnh.

PGS.TS Ngô Trí Long cũng chia sẻ, trong giai đoạn hiện nay, khi các doanh nghiệp hàng không gặp khó khăn do Covid-19, việc áp giá sàn vừa không có lợi cho người tiêu dùng, vừa không khuyến khích cạnh tranh, vì một doanh nghiệp kinh doanh giỏi có thể hạ giá mà vẫn có lãi thì không nên hạn chế vì điều đó mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

 Theo Hà Lan/Tạp chí Kinh tế Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Bộ GTVT 'vào cuộc' làm rõ việc cạnh tranh giá vé máy bay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

HoSE lên tiếng sau sự cố nghẽn lệnh
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, hiện đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống để kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023
GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.