Bộ Công thương: Đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu
Bộ Công Thương đề xuất thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp là 10 ngày hoặc giữ nguyên là 15 ngày.
Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công thương đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu
Tại dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương đề xuất thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá xăng dầu là 10 ngày hoặc giữ nguyên là 15 ngày. Trường hợp ngày điều hành giá là ngày nghỉ theo quy định, Bộ Công Thương thực hiện điều hành giá vào ngày đầu tiên sau ngày nghỉ.
Trường hợp giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tăng cao bất thường so với giá cơ sở kỳ liền trước đó, ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội, Bộ có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định thời gian điều hành giá cụ thể cho kỳ điều hành đó.
Trước đó, góp ý cho dự thảo Nghị định, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng đề xuất rút ngắn tần suất điều chỉnh xuống còn 10 ngày để giá bán lẻ trong nước ngày càng tiệm cận với giá thế giới, tránh độ trễ trong việc điều chỉnh giá.
Tại dự thảo lần này, Bộ Công Thương cũng đưa ra hai phương án về định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc: Một là giảm dự trữ lưu thông bắt buộc từ 30 ngày xuống 20 ngày; hai là giữ nguyên quy định dự trữ 30 ngày. Đồng thời, dự thảo bổ sung thêm yêu cầu thương nhân phân phối xăng dầu phải đảm bảo dự trữ bắt buộc tối thiểu là 5 ngày.
Ngoài ra, tại dự thảo lần này Bộ Công thương cũng đề xuất nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia nhiều hơn vào thị trường bán lẻ xăng dầu nhưng không được sở hữu quá 35% vốn.
Hiện nay, Idemitsu Q8 là nhà đầu tư ngoại duy nhất được cấp phép gia nhập thị trường bán lẻ xăng dầu. Ngoài ra, tại một số doanh nghiệp như Petrolimex, PVOil, tỷ lệ vốn ngoại đang chiếm lần lượt là 20% và 35%.
Tuy nhiên, các trường hợp trên để được tham gia thị trường xăng dầu Việt Nam, theo quy định trước đây đều cần sự đồng ý, phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Việc mở cửa cho nhà đầu tư ngoại tham gia sâu hơn vào thị trường lúc này, theo Bộ Công Thương là phù hợp và đã tính toán rất kỹ.
Về tỷ lệ nhà đầu tư ngoại chỉ được sở hữu 35% vốn, cơ quan này cũng cho rằng mục đích là để đảm bảo họ không được quyền phủ quyết các vấn đề trong điều hành hoạt động doanh nghiệp, mặt khác tỷ lệ này đủ giúp doanh nghiệp trong nước vừa có vốn, có công nghệ và nâng cao năng lực quản trị.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm