0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ bảy, 10/09/2022 07:45 (GMT+7)

Biến động giá dầu và kịch bản Việt Nam ứng phó để ổn định, phát triển

Đánh giá tổng thể có thể thấy giá dầu thế giới sẽ duy trì ở mức hiện tại, hoặc tăng nhẹ vào cuối năm. Sang năm 2023, giá dầu dự báo sẽ giảm so với năm 2022, nhưng vẫn ở mức cao do nhu cầu của các nước hồi phục sau khi dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch.

Tính từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng xăng dầu đã trải qua 23 lần điều chỉnh, trong đó có 15 lần tăng, 8 lần giảm. Hiện, giá dầu diesel và dầu hỏa đã tăng khoảng 7.000 đồng/lít so với đầu năm (tăng 38,12%). Trong khi xăng RON 95 và E5 RON 92 đã giảm về mức tương đương đầu tháng 1/2022.

Giá dầu lần đầu tiên cao hơn giá xăng:

Hiện giá dầu diesel lên 25.180 đồng/lít, dầu hỏa lên 25.440 đồng/lít. Trong khi giá xăng E5 RON 92 là 23.350 đồng/lít và xăng RON 95 là 24.230 đồng/lít.

Thông tin tại Tọa đàm “Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 8/9, ông Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ KH&ĐT) cho biết: Sau kỳ điều hành giá ngày 5/9, giá dầu hỏa và dầu diesel tiếp tục có mức tăng mạnh, đưa mặt hàng này lần đầu tiên trong lịch sử vượt giá xăng trong nước.

Việc tăng giá dầu diesel là do hiện nay các nước châu Âu chuyển đổi thay thế nhiên liệu khí đốt của Nga sang sử dụng dầu diesel, khiến nhu cầu tăng cao. Mỹ đang xuất khẩu ngày càng nhiều dầu diesel sang châu Âu, nhưng khó có thể tăng thêm nguồn cung, vì tồn kho trong nước hiện thấp hơn nhiều so với mức trung bình theo mùa, trong khi các nhà máy lọc dầu đã hoạt động gần 100% công suất. Đây là những nguyên nhân khiến giá dầu cao hơn giá xăng.

Giá dầu có tăng vào quý 4?

Đánh giá về xu hướng giá dầu từ nay đến cuối năm, ông Lương Văn Khôi cho rằng: Khả năng giá dầu tăng trở lại trong quý 4 khá cao. Bởi nhu cầu sử dụng nhiên liệu có thể tăng vào mùa Đông khi nhu cầu nhiên liệu sưởi ấm tăng cao, đặc biệt là tại châu Âu. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch và có thể sẽ mở cửa trở lại các thành phố để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại, từ đó làm tăng nhu cầu.

Đặc biệt, nguồn cung đang tăng chậm lại. Bất chấp sức ép từ Mỹ, các nước xuất khẩu dầu mỏ đã giảm tốc độ tăng sản lượng khai thác dầu từ hơn 600.000 thùng/ngày vào tháng 7 và 8/2022, rồi lại cắt giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày vào tháng 9. Saudi Arabia mới đây cho biết: OPEC sẵn sàng cắt giảm sản lượng dầu bất cứ lúc nào. Số liệu của Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) cũng cho thấy: Nguồn cung có khả năng thu hẹp.

Căng thẳng Nga - Ukraine cùng các biện pháp trừng phạt/cấm vận của Mỹ và phương Tây đối với Nga cũng là một trong những nguyên nhân lớn khiến giá dầu (và cả khí đốt) tăng mạnh. Châu Âu là đối tác năng lượng chính của Nga.

"Như vậy, có thể nhận thấy, từ nay đến cuối năm, có cả những yếu tố khiến giá dầu thế giới giảm, song cũng có những yếu tố khiến giá dầu thế giới tăng. Tuy nhiên, đánh giá tổng thể, có thể thấy giá dầu thế giới sẽ duy trì ở mức hiện tại, hoặc tăng nhẹ vào cuối năm. Sang năm 2023, giá dầu dự báo sẽ giảm so với năm 2022, nhưng vẫn ở mức cao do nhu cầu của các nước hồi phục sau khi dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch" - ông Khôi dự báo.

Giá dầu sẽ giảm, nhưng không nhiều:

Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết: Theo nhiều nguồn đánh giá đáng tin cậy từ các bên thứ ba, từ nay tới cuối năm giá dầu sẽ vẫn suy yếu, nhưng không thể giảm quá nhiều. Khi giá thế giới giảm đến về 60 - 70 USD/thùng, các nước xuất khẩu dầu mỏ như nhóm OPEC+, đặc biệt là Nga sẽ có những động thái cứng rắn để hỗ trợ giá.

Theo đó, giá dầu có thể sẽ dao động từ 60 - 90 USD/thùng trong quý 4 năm nay.

Một điểm đáng chú ý khác là tỉ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước. Ngày 18/7, tỉ giá tăng khá mạnh, sau đó có xu hướng giảm và đi ngang. Tuy nhiên, tỉ giá lại được điều chỉnh tăng mạnh ngay sáng nay 8/9. Điều này sẽ khiến các ngân hàng và nhà xuất nhập khẩu cần công cụ phòng hộ liên quan tới tỉ giá. Nhà xuất nhập khẩu dầu mỏ sẽ quan tâm tới phòng hộ tại cả thị trường quốc tế và trong nước.

Duy trì chính sách hỗ trợ giá dầu:

Ông Lê Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Để có thể thích ứng với chi phí xăng, dầu tăng, ngoài việc điều chỉnh giá bán một số sản phẩm cho phù hợp, doanh nghiệp cũng nên triển khai thực hiện đồng thời một số giải pháp như: Tận dụng, tiết kiệm nguyên vật liệu ở mức tối đa nhằm có thể giảm bớt một phần chi phí, tăng cường quản lý, giám sát quá trình sản xuất, kinh doanh chặt chẽ hơn, hạn chế thất thoát.

Bên cạnh đó, đàm phán với đơn vị vận chuyển (xe thuê ngoài) để không tăng cước vận chuyển quá cao; tìm kiếm thêm các nhà cung cấp nguyên vật liệu khác để có chất liệu tốt, giá thành biến động ít nhất. Đồng thời, đầu tư cải tiến dây chuyền để cải thiện môi trường làm việc và tăng năng suất để hạn chế chi phí đội giá thành sản phẩm.

Ông Bùi Ngọc Bảo - quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn các chính sách về xăng dầu hiện tại sẽ được duy trì hết quý 2/2023 để các doanh nghiệp tiếp tục có thời gian cải thiện hiệu quả hoạt động bằng nhiều biện pháp và dự phòng được rủi ro cho các hoạt động liên quan tới biến động giá nhiên liệu.

Công cụ bảo hiểm giá xăng dầu:

Với vai trò là trung gian giữa bên mua và bên bán, ông Nguyễn Đức Dũng - Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam nêu ý kiến: Trên thế giới, các doanh nghiệp xăng dầu thường dùng các công cụ bảo hiểm giá, thông qua các hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, để chốt giá nhập khẩu, xuất khẩu theo chu kỳ vài tháng, thậm chí vài năm. Điều này khiến giá đầu vào và đầu ra được ổn định và khi giá biến động, họ có nhiều “room” để điều tiết thị trường hơn.

"Tôi kỳ vọng, chúng ta sẽ sớm đồng bộ các chính sách của các bộ, ban, ngành, để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể tự tin sử dụng các công cụ bảo hiểm giá một cách hiệu quả. Với tư cách là hội viên của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, các doanh nghiệp trong hiệp hội quan tâm rất lớn tới các công cụ bảo hiểm giá này, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc về mặt cơ chế để có thể thực hiện một cách hiệu quả" - ông Dũng nhấn mạnh.

Đồng bộ Luật Dầu khí với các quy định khác:

Chia sẻ những bài học kinh nghiệm ứng phó trong bối cảnh bất ổn về nguồn cung và về giá xăng dầu trên thế giới, ông Kenya Maeda - Chuyên gia cao cấp Bộ phận Thương mại và Cung ứng dầu thô, thị trường toàn cầu (thuộc Công ty Idemitsu Kosan) cho biết: Để duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định đối với khía cạnh an ninh năng lượng (ngay cả trong thị trường mà không có triển vọng ổn định trong tương lai), phải thúc đẩy toàn bộ chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm xăng dầu (từ thu mua các nguyên liệu đầu vào, sản xuất đến bán hàng và tiêu dùng).

Từ góc nhìn của cơ quan lập pháp của Việt Nam về xu hướng giá dầu đến hoạt động kinh doanh của nền kinh tế nói chung và khối doanh nghiệp nói riêng, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Hoạt động dầu khí có nhiều rủi ro, có tính quốc tế, cần quan tâm đến thông lệ quốc tế. Luật Dầu khí (sửa đổi) chỉ điều chỉnh các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí - hoạt động thượng nguồn dầu khí, còn các hoạt động trung nguồn và hạ nguồn của ngành dầu khí (như lọc hóa dầu, sản xuất phân bón và sản xuất điện) được điều chỉnh bằng các luật khác.

Theo ông Hiếu, bối cảnh thị trường và điều kiện đất nước cho thấy, việc đồng bộ Luật Dầu khí (sửa đổi) với các quy định của luật khác là hết sức cần thiết.

Ví dụ để xây dựng một đường ống dẫn khí, phải chiểu theo nhiều luật khác như: Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng... Do đó, các quy định trong dự án luật nên theo hướng cho phép thực hiện các dự án thăm dò, khai thác dầu khí theo chuỗi, tránh một việc phải trình nhiều cơ quan, bộ ngành, tránh xung đột về pháp lý.

Bạn đang đọc bài viết Biến động giá dầu và kịch bản Việt Nam ứng phó để ổn định, phát triển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới