BIDV muốn phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu trả cổ tức, tăng vốn điều lệ lên hơn 50.585 tỷ đồng
BIDV vừa trình cổ đông phương án phát hành gần 1,037 cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ phát hành dự kiến là 25,77%. Nâng vốn điều lệ của BIDV từ 20.220 tỷ đồng lên hơn 50.585 tỷ đồng.
Mới đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - mã chứng khoán: BID) vừa công bố tờ trình đại hội đồng cổ đông về phương án tăng vốn điều lệ năm 2021 thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
Theo đó, BIDV trình cổ đông phương án phát hành gần 1,037 cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến năm 2019 và lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2020.
Tỷ lệ phát hành dự kiến là 25,77%. Thời gian phát hành là trong năm 2021 - 2022. Số lượng cổ phiếu để trả cổ tức phát hành cho cổ đông sẽ được làm tròn xuống đến hàng đơn vị, phần lẻ thập phân sẽ huỷ bỏ. Tức, cổ đông nắm giữ 100 cổ phần tại thời điểm chốt danh sách sẽ được nhận cổ phiếu để trả cổ tức là 25 cổ phần.
Sau phát hành, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng từ 20.220 tỷ đồng lên hơn 50.585 tỷ đồng. Hiện vốn điều lệ của ngân hàng là hơn 40.220 tỷ đồng, đứng thứ ba toàn ngành sau VietinBank (48.058 tỷ) và VPBank (44.455 tỷ đồng).
Về kế hoạch sử dụng vốn điều lệ tăng thêm, BIDV dự kiến đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tỷ lệ thu nhập từ dịch vụ trong tổng thu nhập, nâng cao năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ.
Bên cạnh đó, BIDV cũng sẽ tập trung cơ cấu danh mục tín dụng, cho vay vốn đối với các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động kinh doanh có hiệu quả, an toàn, có phương án/dự án kinh doanh khả thi, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), doanh nghiệp FDI có tiềm năng phát triển, lợi thế cạnh tranh; mở rộng kênh phân phối hiện đại và nâng cao chất lượng kênh phân phối truyền thông trong nước, khu vực và thế giới.
Về cơ cấu cổ đông của BIDV, tính đến hết quý III, Nhà nước nắm giữ tổng cộng hơn 3,2 tỷ cổ phiếu BID, tương đương 80,99% vốn của BIDV. Trong đó, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV đại diện 40% vốn nhà nước; ông Lê Ngọc Lâm và bà Nguyễn Thị Thu Hương, Ủy viên HĐQT BIDV đều đại diện cho 30% vốn.
Cổ đông lớn thuộc khối ngoại của BIDV là Keb Hana Bank sở hữu hơn 603 triệu cổ phiếu BID, tương đương 15% vốn. Tính đến cuối quý III, tổng cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ tại BIDV là 668,9 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 16,63%.
Thời gian lấy ý kiến cổ đông là từ ngày 24/11 - 4/12/2021.
Về tình hình kinh doanh, lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của BIDV đạt 10.733 tỷ đồng, tăng gấp 52% cùng kỳ năm 2020. Tổng tài sản tính đến cuối quý III tăng 11% so với thời điểm đầu năm lên gần 1,69 triệu tỷ đồng.
Dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 1,33 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm trong đó nợ xấu biến động không đáng kể, đạt hơn 21.432 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,76% (đầu năm) về 1,61%.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BID tăng khá tốt từ đầu tháng 11 đến nay. Chốt phiên ngày 25/11, thị giá dừng ở mức 45.350 đồng/cổ phiếu. Vốn hoá thị trường theo đó vào khoảng 182.400 tỷ đồng.