Bị dị ứng, tiêm vắc-xin Covid-19 được không?
Vợ tôi năm nay 44 tuổi, bị dị ứng rất nặng với các loại thuốc hạ sốt giảm đau. Vậy xin hỏi vợ tôi có tiêm vắc-xin Covid-19 được không?
Bạn đọc Phidieu93@gmail.com hỏi: Vợ tôi năm nay 44 tuổi, bị dị ứng rất nặng với các loại thuốc hạ sốt giảm đau. Các biểu hiện là phù nề toàn thân, tụt huyết áp, không thở được, phải đưa đi cấp cứu. Vậy xin hỏi vợ tôi có tiêm vắc-xin Covid-19 được không?
Bác sĩ Tạ Vương Khoa, Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), trả lời:
Vợ bạn vẫn có thể tiêm vắc-xin Covid-19 một cách bình thường do thuốc hạ sốt giảm đau không nằm trong thành phần cấu tạo của vắc-xin.
Tuy nhiên, với tiền sử dị ứng mức độ nặng (với bất cứ tác nhân nào nói chung, không riêng gì thuốc hạ sốt giảm đau như trường hợp của vợ bạn) như mô tả, vợ bạn nên được tiêm vắc-xin Covid-19 tại bệnh viện để bảo đảm an toàn.
Bạn đọc Luongthihien2804@gmai.com hỏi: Tôi bị dị ứng với trứng và cà chua khi ăn chung, tiền sản giật, vài lần trong một năm tôi bị sốt vào ban đêm gống như sốt rét người tôi giật khoảng một tiếng đồng hồ rồi tự động hết. Tôi có tiêm được vắc-xin Covid-19 không, và nên tiêm ở đâu?
Bác sĩ Tạ Vương Khoa, Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM) trả lời:
Tiền sử tiền sản giật nói riêng và tiền sử co giật nói chung không phải là chống chỉ định của tiêm vắc-xin Covid-19. Trong trường hợp tiền sử dị ứng, trừ khi tác nhân dị ứng thuộc thành phần cấu tạo của vắc-xin Covid-19 thì bị chống chỉ định tuyệt đối, còn lại vẫn có thể tiêm vắc-xin bình thường.
Trường hợp của bạn (dị ứng với trứng và cà chua khi ăn chung) vẫn tiêm được vắc-xin, nếu dị ứng chỉ ở mức độ nhẹ (ngứa, nổi mề đay, phù nhẹ quanh mắt…) thì bạn có thể tiêm ở bất cứ đâu, còn nếu dị ứng mức độ trung bình đến nặng (choáng váng, vã mồ hôi, khó thở, tím tái, tụt huyết áp, sốc…) thì bạn nên tiêm tại bệnh viện.
Bạn đọc Trần Duy Hùng (TP HCM) hỏi: ''Trước đây tôi bị dị ứng với thuốc có thành phần Metronidazole, khi uống người bị sưng tím, ngứa ngáy, đau như cắt..., dùng thuốc 1 tuần sau mới hết. Như vậy tôi có tiêm vắc-xin Covid-19 được không?"
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TP HCM) trả lời:
Bạn có thể tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 bình thường. Các phản ứng bạn gặp phải chỉ là phản ứng phản vệ độ 2, không sao hết, dị ứng với cái này không có nghĩa sẽ dị ứng với cái kia. Sau tiêm chỉ cần tự theo dõi sức khỏe như hướng dẫn.
Người có tiền sử dị ứng hoặc bệnh nền cần lưu ý gì khi tiêm vắc xin COVID-19?
Các chuyên gia cho rằng trong trường hợp bệnh nhân có tiền sử dị ứng và bệnh nền, thuộc nhóm có nguy cơ dị ứng cao thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa dị ứng để đảm bảo an toàn khi đi tiêm.
ThS. BS. Nguyễn Hải Hà cho biết: "Qua theo dõi, các phản ứng dị ứng sau tiêm cũng rất ít xảy ra, chủ yếu là phát ban trên da, hơi ngứa và sưng vị trí tiêm, một số trường hợp có thể khó thở, rất hiếm có trường hợp phản ứng nặng ảnh hưởng đến nhịp tim và huyết áp. Hiện nay, tất cả các bàn tiêm chủng, khu vực theo dõi sau tiêm đều đã chuẩn bị sẵn thuốc Adrenalin - là thuốc đầu tay cấp cứu phản vệ từ độ 2 trở lên. Các nhân viên y tế cũng đều đã được đào tạo rất kỹ về tiêm vaccine COVID – 19 cũng như công tác cấp cứu phản vệ theo các hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế trước khi thực hiện nhằm đảm bảo cho việc tiêm vắc xin được an toàn nhất". Do đó, ngoài trường hợp có yếu tố nguy cơ cao, thì người dân có thể yên tâm tiêm chủng tại tất cả các điểm tiêm chủng.
"Loại vắc xin tốt nhất là loại vaccine được tiêm sớm nhất để tạo ra kháng thể". Vì vậy, các bác sỹ đều khuyến cáo mọi người nên tiêm phòng ngay khi có thể và tuân theo những hướng dẫn trên đối với những người có tiền sử dị ứng hoặc bệnh nền gây ra những nguy cơ phản ứng sau tiêm.