BĐS công nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế để phát triển
Dù các báo cáo thị trường cho thấy bất động sản công nghiệp hoạt động hiệu quả trong thời gian gần đây, bằng chứng là khả năng lấp đầy cao, giá thuê liên tục tăng mạnh...
GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, cho rằng chất lượng quản lý khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, thậm chí có thể nói là còn "bao cấp". Đơn cử như thủ tục hành chính quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vẫn còn nặng nề khi có quá nhiều bước, nhiều khâu. Dù đã nằm trong quy hoạch nhưng khi muốn thành lập khu công nghiệp hay cụm công nghiệp, chủ đầu tư vẫn phải trình Chính phủ, trình địa phương phê duyệt chủ trương, phê duyệt quy hoạch.
Điểm trừ thứ 2, theo ông Võ, là chưa huy động được các nhà đầu tư thứ cấp tham gia vào đầu tư hạ tầng khu công nghiệp ngay từ đầu.
“Khi đầu tư khu công nghiệp, duy nhất chủ đầu tư phát triển dự án tham gia xây dựng hạ tầng, điều này có thể làm cho tiến độ bị chậm, việc đầu tư cũng khó khăn hơn. Nếu tạo được cơ chế, chính sách để động viên vốn từ các nhà đầu tư thứ cấp như bất động sản du lịch thì thị trường bất động sản công nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn”, ông Võ nói.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, bất động sản công nghiệp là một lĩnh vực đầy tiềm năng và hứa hẹn trong bối cảnh mối quan hệ xung đột giữa Mỹ và Trung ngày càng gia tăng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc có nhu cầu tìm kiếm môi trường đầu tư mới. Việt Nam là một điểm đến mà các nhà đầu tư quan tâm, tuy nhiên vẫn còn những câu hỏi bỏ ngỏ, xuất phát từ những vấn đề nội tại của thị trường này.
Trước hết, theo ông Hiếu, Việt Nam không có chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài tổng thể, các chiến lược thu hút, đón đầu như hiện nay chủ yếu mang tính “đối phó” với thị trường nhiều hơn.
“Ở Việt Nam, tôi chưa bao giờ nghe nói về một kế hoạch nào khoảng 50 năm hoặc dài hơn. Chúng ta hầu như chỉ có kế hoạch 5 năm rồi 10 năm, hoặc theo kiểu “kế hoạch 5 năm tầm nhìn 10 năm”. Tôi cho rằng, Việt Nam cần phải có một chương trình đầu tư dài hạn cho bất động sản công nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Bản chất của bất động sản công nghiệp là hướng tới mục tiêu phát triển những vùng khó khăn nên cần lựa chọn kỹ khu vực, địa bàn phát triển, không phát triển tràn lan”, chuyên gia phân tích.
Một vấn đề khác được ông Hiếu dẫn ra là sự thiếu bài bản trong việc thiết lập một quy hoạch tổng thể ở các địa phương, dẫn đến hiện tượng nơi thừa, nơi thiếu diện tích đất công nghiệp.
Ngoài ra, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng ở Việt Nam, rất khó tìm được địa điểm quỹ đất đủ rộng, thuận tiện về giao thông để triển khai các dự án khu công nghiệp lớn. Thêm vào đó, thủ tục pháp lý rườm rà cũng cũng khiến nhiều nhà đầu tư e ngại, đặc biệt là với các nhà đầu tư châu Âu, Mỹ vốn quen với cách làm việc nhanh gọn và minh bạch.
Trong một lần trả lời truyền thông, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc bộ phận cho thuê văn phòng và công nghiệp của CBRE Việt Nam, cho rằng sự phát triển đất công nghiệp tại những khu vực công nghiệp mới diễn ra chậm do kết nối hạ tầng đến các cảng biển, cảng sông và các thị trường tiêu thụ lớn còn hạn chế. Theo ông, sẽ mất ít nhất 2 năm để các chủ đầu tư mở rộng quỹ đất tại các khu công nghiệp hiện hữu. Còn việc phát triển khu công nghiệp mới cần nhiều thời gian hơn.
"Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản công nghiệp ở Việt Nam hao tổn nhiều thời gian, chi phí cho cơ sở hạ tầng hơn so với Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia hay Philippines", ông Hiếu cho biết.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm