Bất thường thị trường vàng, Chính phủ yêu cầu tăng cường thanh tra
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức kinh doanh vàng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Yêu cầu thanh tra các doanh nghiệp vàng
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2022. Trong Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành tăng cường biện pháp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng, chống dịch Covid-19.
Bên cạnh các nội dung yêu cầu các cơ quan quản lý tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; bảo đảm cung cầu mặt hàng xăng dầu; và đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; một trong các yêu cầu được Chính phủ đưa ra lần này là quản lý chặt chẽ thị trường vàng.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ thị trường vàng theo Nghị định 24/2012 của Chính phủ. Trong đó, yêu cầu cơ quan quản lý tiền tệ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức kinh doanh vàng, bảo đảm không ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế vĩ mô.
Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm trên thị trường vàng, Chính phủ yêu cầu phải xử lý nghiêm.
Bên cạnh đó, NHNN cũng được yêu cầu nghiên cứu, rà soát các quy định liên quan để sửa đổi, bổ sung (nếu cần thiết) liên quan việc quản lý và vận hành thị trường vàng, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng.
Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu NHNN điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, góp phần bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời quyết liệt triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chênh lệch thị trường lớn
Trong những ngày qua, giá vàng miếng SJC đã duy trì xu hướng giảm liên tục trong hơn một tháng qua, tuy nhiên, giá bán ra vẫn cao hơn hàng chục triệu đồng so với giá thế giới quy đổi.
Cụ thể, trong các phiên giao dịch đầu tuần này, giá vàng thế giới đã giảm gần 3%, hiện phổ biến dao động quanh mức 1.825 USD/ounce, tương đương 51,4 triệu đồng/lượng quy đổi ra tiền Việt. Trong khi đó, dù đã giảm xấp xỉ 1,5 triệu/lượng từ đầu tuần này, giá vàng miếng SJC trong nước vẫn giao dịch ở mức 67,5 - 68,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Như vậy, chênh lệch giữa 2 thị trường này hiện lên tới gần 17 triệu đồng/lượng.
Trước đó, trong giai đoạn tháng 3, chênh lệch giá bán vàng miếng SJC trong nước so với giá vàng thế giới quy đổi còn lên tới 20 triệu đồng/lượng.
Nhiều bất cập tại thị trường vàng trong nước
Trước đó, tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, diễn biến không bình thường của giá vàng trong thời gian qua là do "độc quyền".
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) nêu: Từ đầu năm 2022 đến nay đã thể hiện thị trường này có rất nhiều điểm bất ổn và bất hợp lý, đặc biệt là chênh lệch quá cao về giá vàng tại Việt Nam với giá vàng trên thị trường thế giới, có lúc lên đến trên 20 triệu đồng trên một lượng, chênh lệch quá khắc nghiệt giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng trang sức SJC cùng hàm lượng hoặc với giá vàng miếng của các thương hiệu khác, gây tâm lý lo lắng, bất an cho người dân, làm giảm niềm tin vào giá trị của đồng tiền Việt Nam và làm gia tăng lạm phát.
Thậm chí, Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) còn cho rằng, Việt Nam là nước duy nhất đi ngược với thế giới là khi nào giá vàng thế giới giảm thì chúng ta lại tăng.
Thậm chí, Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) còn cho rằng, Việt Nam là nước duy nhất đi ngược với thế giới là khi nào giá vàng thế giới giảm thì chúng ta lại tăng.
Từ thực tế này, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) nêu quan điểm cho rằng Nghị định 24 của Chính phủ ban hành cách đây 10 năm, lúc đó vàng thế giới chỉ có trên dưới 1.600 ounce, hiện nay hơn 1.800. Thị trường vàng trong nước lúc đó khoảng 30-35 triệu đồng/lượng, tới nay 70 triệu đồng/lượng.
Đại biểu đặt vấn đề, Nghị định 24 của Chính phủ thời điểm đó và thời điểm hiện nay có bất cập hay không?
"Tại sao chúng ta không sửa Nghị định. Tôi nghĩ có nên để cho SJC độc quyền hay không hay Ngân hàng Nhà nước có thể giao một cơ quan, đơn vị hay một tổ chức nào đó in thêm một lượng vàng nào khác nữa để có thể cạnh tranh với SJC để thị trường vàng hạ xuống.
Tôi nghĩ nếu vàng trong nước tăng kiểu này thì tình hình lạm phát có khả năng tăng theo, đồng tiền Việt Nam sẽ mất giá. Chúng ta nên chấn chỉnh thị trường vàng trong nước để đảm bảo làm sao cho phù hợp với thị trường thế giới", Đại biểu này cho hay.
Hà Lan