Ban hành quy chế quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau
Ngày 18/1, CTTĐT tỉnh Cà Mau cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa ký ban hành quy chế quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau.
Việc quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau được thực hiện theo nguyên tắc tuân thủ theo các quy định của luật pháp Việt Nam và các Công ước Quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; tuân thủ các nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái (theo Công ước Bảo tồn đa dạng sinh học); quản lý Khu Sinh quyển bằng các biện pháp tổng hợp dựa trên cơ sở có sự tham gia của cộng đồng; quản lý Khu Sinh quyển là quản lý một hệ sinh thái nhân văn có cấu trúc và chức năng hợp lý, hài hòa, bền vững.
Việc quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau phải tuân thủ các nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái |
Quy chế quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau có hiệu lực thi hành từ ngày 10/01/2020. Quy chế Quản lý Khu sinh quyển Mũi Cà Mau được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành tại quyết định số 1142, ngày 09/8/2012 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày quy chế mới có hiệu lực thi hành.
Khu Sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau nằm trên địa bàn các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Năm Căn và Ngọc Hiển. Tổng diện tích 371.506 ha, được phân thành 03 vùng quản lý: Vùng lõi có diện tích 17.353 ha; vùng đệm có diện tích 43.527 ha; vùng chuyển tiếp diện tích 310.626 ha.
Trong đó, bao gồm các vùng rừng ngập mặn diễn thế nguyên sinh trên đất mới bồi tạo nên bãi sinh đẻ và nuôi dưỡng con non các loài thủy, hải sản cho cả một vùng rộng lớn - Vịnh Thái Lan; các hệ thống chuyển tiếp hệ sinh thái đặc trưng từ rừng ngập mặn sang rừng tràm ngập nước theo mùa và những dấu tích cư dân đầu tiên trên vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Đây là mô hình phát triển bền vững của địa phương thông qua việc bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển kinh tế và gìn giữ các giá trị văn hóa.
Các vùng đệm và vùng chuyển tiếp bao quanh các vùng lõi làm nên một hành lang rộng lớn, đa dạng cảnh quan và hệ sinh thái, bao gồm các hệ sinh thái rừng ngập mặn, bãi bùn, đầm lầy ngập nước than bùn, hệ sinh thái biển... lưu giữ nguồn tài nguyên sinh vật, tài nguyên địa chất phong phú, có giá trị bảo tồn cao, đã và đang được các tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế quan tâm bảo vệ.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm