0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ tư, 30/08/2023 11:30 (GMT+7)

Bài 2: Phát triển điện gió ngoài khơi: Tiềm năng lớn, rào cản nhiều

Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển điện gió ngoài khơi và nếu làm tốt quy hoạch không gian biển, sẽ giúp nâng cao thu nhập, đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam còn nhiều hạn chế. 

Muôn trùng rào cản

TS. Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, nước ta có tiềm năng điện gió ngoài khơi rất lớn. Theo tính toán, khu vực có độ sâu đáy biển trên 20m thì tổng quy mô tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi khoảng 165.000MW; khu vực gió cao và có tiềm năng kinh tế tốt chủ yếu ở khu vực Nam Trung Bộ như Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định… với tổng tiềm năng khoảng 80.000MW.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển điện gió. Chính phủ cũng đang chỉ đạo hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII, trong đó có nội dung phát triển điện gió ngoài khơi. Theo đánh giá, Việt Nam là một trong 6 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu. Vì thế, Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tại Hội nghị COP26 diễn ra vào năm 2021, Việt Nam đã cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 205. Để đạt mục tiêu trên, theo ông Thi, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất năng lượng và chú trọng chuyển đổi năng lượng với một lộ trình phù hợp; vừa bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, giảm tối đa gánh nặng chi phí, nâng cao năng suất và giải quyết các vấn đề xã hội.

Tuy nhiên, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam cho biết, khi đầu tư điện gió ngoài khơi, các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, là hành lang pháp lý chưa có. Hiện tại, pháp luật cũng có một số quy định nhưng mang tính đơn giản, rời rạc, chưa hệ thống hóa. Thứ hai, Việt Nam còn thiếu quy hoạch điện gió ngoài khơi mà “dính” mỗi nơi một ít. Ví như, nói đến điện gió thì có thể điều chỉnh bởi quy hoạch điện, nhưng từ “ngoài khơi” thì quy hoạch biển sẽ điều chỉnh. Ngoài ra, Việt Nam cũng còn thiếu các quy định về an toàn; quy định về tiêu chí chọn lựa nhà đầu tư. Đặc biệt, để làm được điện gió ngoài khơi, cần làm nhanh, đúng hạn và phải có những bãi lớn chịu được tải trọng lớn. “Cái chúng ta đang thiếu là hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, quy định của nhà nước, còn doanh nghiệp phải đi theo quy định đó”, ông Dũng nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) cho rằng, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn về quy hoạch điện gió ngoài khơi. Một phần do nhận thức, quan niệm, hiểu biết của mỗi giai đoạn khác nhau. Hơn nữa, trong vùng quy hoạch sẽ có những vùng khuyến khích phát triển cần những số liệu cập nhật, chính xác và đây là điều khó.

Bài 2: Phát triển điện gió ngoài khơi: Tiềm năng lớn, rào cản nhiều
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi

TS. Phạm Nguyên Hồng, Phó Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết, những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã xây dựng nhiều, phát triển các dự án điện gió trên biển gần bờ. Trong đó, có dự án độ sâu đạt gần 20m. Vì thế, các nhà đầu tư, nhà tư vấn thiết kế đều đã quen. Nay, sẽ phát triển dự án điện gió xa bờ hơn, sâu hơn và tất nhiên kèm theo đó các yếu tố về biển, đại dương, kỹ thuật sẽ phức tạp hơn. “Để công trình đạt hiệu quả, Việt Nam cần tham khảo, học tập kinh nghiệm từ các nước tiên tiến. Ví như, mỗi giai đoạn cần những loại khảo sát gì, cách bố trí mũi khoan thế nào. Đối với điện gió vùng biển rất sâu, trên thế giới yêu cầu tối thiểu từ quy hoạch, thiết kế là gì. Nếu chúng ta chưa có quy chuẩn thì có thể vận dụng quy chuẩn của nước ngoài”, ông Hồng góp ý.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng Việt nam có tiềm năng rất lớn về điện gió ngoài khơi.

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa có quy hoạch về kinh tế biển và không gian biển. Khi chưa có quy hoạch đấy thì việc bố trí được các hệ thống về điện ngoài khơi sẽ là một bất cập. Ngay cả trong quy hoạch điện 8 thì việc phát triển điện ngoài khơi cũng chỉ để giai đoạn sau 2030. Vì nếu phát triển ở giai đoạn hiện tại thì thứ nhất là chi phí rất đắt (khoảng từ 1,5 – 8 lần so với điện gió trên bờ) và năng lượng tiếp nhận mạng lưới tiếp nhận của mình vẫn còn đang bất ổn. Điện gió trên bờ và mặt trời vẫn còn chưa phát huy hết, thì điện gió ngoài khơi là câu chuyện còn trường kỳ. Chỉ hy vọng, sau công nghệ phát triển, giá thành giảm và mạng lưới tiếp nhận tốt hơn thì sẽ là nguồn năng lượng xanh bổ ích thay thế điện than đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn ?

Theo TS. Hồng, để phát triển điện gió ngoài khơi thành công doanh nghiệp, nhà đầu tư cần hiểu biết pháp luật Việt Nam. Đồng thời, có thể cùng bổ trợ lẫn nhau, ví như có nhà đầu tư trong nước chưa có kinh nghiệm nhưng có tiềm lực tài chính thì có thể liên kết với Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Ngoài ra, nhà đầu tư cần cần cân nhắc lựa chọn tư vấn dự án, vốn, kết hợp thi công giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Đặc biệt, doanh nghiệp cần chờ đợi quy hoạch, đồng hành cùng các cơ quan nhà nước để xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh.

Còn ông Phạm Tiến Dũng thì cho rằng, Việt Nam cần triển khai dự án thí điểm. Khi đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như nhà nước vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, đồng thời xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật, từ đó đề ra các tiêu chí, quy định phù hợp. Tiếp đó, Việt Nam cần phải có Luật năng lượng tái tạo, trong đó sẽ quy định chi tiết các quy chuẩn lựa chọn nhà đầu tư, quản lý và hành lang pháp lý.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho rằng, việc đẩy nhanh quy hoạch không gian biển là điều cần thiết để mở ra tiềm năng to lớn về phát triển điện gió ngoài khơi cho Việt Nam. Đồng thời, cũng là cơ hội để Việt Nam thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và các mục tiêu về biến đổi khí hậu đã công bố tại COP26, trong đó có phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Để làm được điều này, Việt Nam cần phải đảm bảo quy trình xây dựng và ban hành Quy hoạch không gian biển lâu dài cũng như xác định các khu vực phát triển điện gió xa bờ được thực hiện một cách công khai.

Còn theo ĐBQH Nguyễn Quang Huân, để phát triển điện gió ngoài khơi, điều cốt yếu là phải làm quy hoạch biển, phát triển kinh tế của từng vùng không gian. Khi đó, sẽ xác định vùng nào khai thác gió, vùng nào khai thác mặt trời, vùng nào khai thác các năng lượng xanh khác... Nó chính là cơ sở pháp lý để làm, đó là điều quan trọng nhất.

Một vấn đề nữa cần giải quyết là công nghệ. Theo ông Huân, Việt Nam cần phải nâng cấp được mạng lưới, mạng lưới tiếp nhận truyền tải và tiêu thụ điện và phải áp dụng công nghệ. Vì nếu không áp dụng được công nghệ thì không giảm được giá thành, cùng chi phí lắp đặt và vận hành vẫn phụ thuộc vào thế giới thì chi phí sẽ rất đắt đỏ.

Ngoài ra, Việt Nam cần phải có chính sách thu hút đầu tư. Bởi, hiện nay chính sách của mình thực sự “phập phù”. Ví như, Quy hoạch điện VIII đưa ra “cụm thời gian” để mục đích đưa NLTT vào nhiều để thay thế các nguồn năng lượng điện than, hóa thạch. Thế nhưng, giải pháp làm sao đạt được thì cần đến lượng chi phí rất rất lớn, thì cần phải thu hút đầu tư. Mà để thu hút được đầu tư thì lại quay về vấn đề chính sách, hiện nay chính sách của chúng ta còn nhiều bất cập, chưa đủ dài hạn và chưa thu hút được các nhà đầu tư. “Nếu 3 giải pháp đó làm tốt thì chắc chắn phát triển điện gió ngoài khơi”, ông Huân khẳng định.

Khánh Linh 

Bạn đang đọc bài viết Bài 2: Phát triển điện gió ngoài khơi: Tiềm năng lớn, rào cản nhiều. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới