0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ ba, 02/03/2021 07:07 (GMT+7)

Bắc Kạn: Phát triển chuỗi giá trị cây trồng địa phương

Trên cơ sở các cây trồng thế mạnh của địa phương, tỉnh Bắc Kạn đã có kế hoạch đầu tư chiến lược phát triển chuỗi giá trị cây dong riềng và cây gừng bền vững, ổn định và lâu dài.

Cây dong riềng và cây gừng là hai cây trồng hàng hóa, cho giá trị sản xuất cao tại tỉnh Bắc Kạn. Trong đó, cây dong riềng được trồng lâu đời, là cây hàng hóa chiến lược trong phát triển kinh tế lâm nghiệp. Củ dong được dùng làm hàng hóa nguyên liệu để sản xuất ra miến dong. Đây là một trong những sản phẩm đặc sản của tỉnh được nhiều người trong nước và nước ngoài đánh giá cao về chất lượng.

Cây dong riềng được trồng lâu đời, là cây hàng hóa chiến lược trong phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh Bắc Kạn

Còn đối với cây gừng là cây trồng được thương mại hóa từ năm 1993, cây trồng này đã đóng góp tích cực cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng truyền thống (lúa, ngô…) kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, sản phẩm từ hai cây trồng này hiện chiếm thị phần rất nhỏ tại các thị trường ngoài tỉnh và đang chịu sự cạnh tranh từ nhiều sản phẩm cùng loại khác. Đối với sản phẩm miến dong Bắc Kạn đã được bảo hộ nhưng hệ thống nhận diện, khai thác nhãn hiệu trên thị trường chưa được đầy đủ. Trong khâu sản xuất còn gặp một số hạn chế trong việc cam kết hợp đồng giữa người nông dân và chủ sơ sở sản xuất tinh bột và miến dong dẫn đến giá bán nguyên liệu không ổn định, cùng với tình trạng được mùa mất giá kéo theo sự biến động lớn về diện tích trong thời gian qua. Năm 2018, diện tích trồng dong riềng của toàn tỉnh là 1.040 ha; năm 2019, 2020 giảm còn 500 ha.

Còn sản xuất cây gừng cũng bộc lộ nhiều khó khăn và nguy cơ dẫn đến phát triển thiếu bền vững. Hiện nay, quá trình liên kết giữa các nhóm hộ và doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Cây gừng được trồng với quy mô lớn, tập trung, nhất là tại xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới nhưng đã xuất hiện dịch bệnh làm giảm năng suất và chất lượng. Việc bán sản phẩm gừng hiện nay chủ yếu ở dạng nguyên liệu tươi nên giá trị chưa cao.

Từ thực trạng trên, UBND tỉnh Bắc Kạn đã xem xét và phê duyệt kế hoạch đầu tư chiến lược phát triển chuỗi giá trị dong riềng và gừng giai đoạn 2021-2023, với mục tiêu xây dựng các mối liên kết để phát triển chuỗi giá trị cây gừng, dong riềng Bắc Kạn trở thành chuỗi giá trị bền vững, ổn định, lâu dài với quy mô sản xuất tập trung, chuyên canh trên cơ sở khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và thị trường trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Đồng thời, phát triển vùng nguyên liệu gắn với tổ chức quản lý sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dựa trên cơ sở đầu tư khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, cải tiến quy trình công nghệ chế biến tạo ra sản phẩm có thương hiệu mạnh trên thị trường, được người dân tin dùng, đồng thời gắn với bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Bắc Kạn: Phát triển chuỗi giá trị cây trồng địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Mrs Grand Vietnam 2024 chính thức khởi động
Công ty TNHH Truyền thông Phan Oanh Media và BTC cuộc thi Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam vừa chính thức công bố khởi động mùa 2 cuộc thi Mrs Grand Vietnam 2024- Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2024.

Tin mới