'Ăn mặn' có làm tăng nguy cơ tử vong do Covid-19 và các bệnh về tim mạch không?
Vừa qua, WHO khuyến cáo mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5g muối/ngày. Tuy nhiên hiện nay, mỗi người trưởng thành tại Việt Nam tiêu thụ tới 9,4g muối/ngày, cao gần gấp 2 lần so với khuyến nghị.
Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức Hội thảo trực tuyến hướng dẫn triển khai các hoạt động truyền thông giảm tiêu thụ muối để phòng, chống tăng huyết áp và các bệnh không lây nhiễm khác vào ngày 29/9 vừa qua.
Hưởng ứng sáng kiến “Resolve to Save Lives” - một chương trình vận động giảm muối trong khẩu phần ăn ở một số quốc gia đang phát triển, hội thảo trực tuyến lần này là hoạt động mở đầu của chiến dịch truyền thông giảm tiêu thụ muối năm 2021.
Hiện nay, hiểu biết về tác hại do ăn thừa muối và thực hành ăn giảm muối của người dân ở cộng đồng còn rất hạn chế. Do vậy, thông tin, giáo dục, truyền thông có vai trò quan trọng nhằm nâng cao nhận thức của người dân để thực hiện giảm ăn muối, phòng chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe.
Tại Việt Nam, ăn nhiều muối là nguyên nhân quan trọng góp phần làm gia tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và tử vong do các bệnh tim mạch. Đặc biệt, số liệu cũng cho thấy trong đại dịch Covid-19, đa số ca tử vong đều có bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim mạch hoặc các bệnh mạn tính khác.
WHO khuyến cáo mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5g muối/ngày. Tuy nhiên hiện nay, mỗi người trưởng thành tại Việt Nam tiêu thụ tới 9,4g muối/ngày, cao gần gấp 2 lần so với khuyến nghị.
Chính vì vậy phòng, chống bệnh tim mạch là một chương trình y tế ưu tiên của các quốc gia, trong đó kiểm soát yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch là một nội dung quan trọng, đặc biệt là nguy cơ do ăn thừa muối.
Để phòng chống các bệnh tim mạch một cách hiệu quả, năm 2018, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch quốc gia truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác.