0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ năm, 30/09/2021 06:06 (GMT+7)

Giải mã 'bí quyết' để không sốt, không đau sau tiêm mũi 2 vắc xin Covid-19

Ngoài những thông tin hướng dẫn chuẩn bị trước và sau tiêm vắc xin Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, vẫn còn một số vấn đề cộng đồng quan tâm, cần được giải đáp.

Hiện nay, nước ta đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trên toàn quốc. Vì thế nhiều người có suy nghĩ và cùng đặt một câu hỏi với các vấn đề liên quan đến cụm từ ho sốt, mỏi, sưng, đau sau tiêm vắc-xin.

Cách phản ứng của cơ thể với vắc-xin mỗi người khác nhau. Bởi, mỗi con người là duy nhất, nên dù có cấu tạo giống nhau, hoạt động giống nhau nhưng cách phản ứng với các vật chất kích thích sinh kháng thể (còn gọi là kháng nguyên) có đôi chút khác nhau.

Tiêm mũi 2 vắc-xin COVID-19, đừng nghe theo kinh nghiệm vì "nghiệm lại sẽ kinh"

Có người phản ứng mạnh, có người phản ứng nhẹ và khả năng sinh kháng thể bảo vệ mỗi người cũng khác. Tuy nhiên phản ứng sinh kháng thể với liều vắc-xin khuyến cáo là tương đồng cho cộng đồng.

Cách phản ứng khác nhau này cũng là lý do tại sao khi nhiễm Covid-19, có người tổn thương phổi nặng phải thở máy, rồi ECMO, người khác lại nhẹ đến không cần điều trị gì đặc hiệu cũng khỏi.

Việc tiêm vắc-xin thế nào và phối hợp ra sao, các văn bản của Bộ Y tế nêu rất rõ ràng, chi tiết. 

Tiêm mũi 2 vắc-xin COVID-19: Giải mã tin đồn về "bí quyết" để không sốt, không đau - 2

Sốt, mỏi, sưng đau… là phản ứng rất bình thường sau tiêm vắc-xin.

Hầu hết các phản ứng sau tiêm vắc-xin Covid-19 đều xuất phát từ phản ứng viêm: Viêm tại chỗ và viêm toàn thân. Nói chung gần giống hệt vắc-xin cúm mùa. Các phản ứng này chỉ xuất hiện 1-2 ngày rồi hết mà không cần phải can thiệp gì cả. Còn lại là vài phản ứng miễn dịch hiếm gặp khác, như giảm tiểu cầu, vi huyết khối… Những loại này thì nên gặp bác sĩ để tư vấn thêm.

- Triệu chứng viêm tại chỗ chính là sưng đau tại chỗ tiêm. Một số người bị nổi hạch tại gần chỗ tiêm. Với trường hợp này thì chỉ cần tự chườm mát sẽ hết sau 1 vài ngày.

- Phản ứng viêm toàn thân chính là cơn sốt, kèm đau mỏi cơ toàn thân. Với phản ứng này thì cơ thể sẽ khá mệt. Lúc này thì nên dùng thuốc hạ sốt để giảm bớt sự khó chịu.

Qua tìm hiểu, nhiều người ttiêm mũi đầu tiên cũng không có phản ứng gì. Nhưng đến mũi 2 thì đau mỏi người, sốt 1 ngày. Nhưng ngược lại, nhiều người khác thì mũi một nằm 3 ngày, sốt cao, uống thuốc hạ sốt ngày 4 lần, đến mũi hai, lại như không có chuyện gì xảy ra. Thế nên chúng ta không nên tin các lời khuyên từ kinh nghiệm bởi "nghiệm lại mà kinh".

Uống paracetamol phòng sốt, đau trước khi tiêm vắc-xin - vô tác dụng

Paracetamol có tác dụng kìm hãm các chất hóa học gọi là Prostaglandin. Đây là chất kích thích gây tăng thân nhiệt và phản ứng đau.

Chất này sinh ra khi cơ thể có phản ứng với tác nhân gây bệnh hoặc phản ứng với kháng nguyên từ vắc-xin. Khi Prostaglandin chưa được kích thích sinh ra, thì thuốc không có tác dụng. Paracetamol là hoạt chất có tác dụng hạ sốt và giảm đau ở mức độ vừa phải và an toàn.

Sau khi vào cơ thể, paracetamol sẽ vào máu và chuyển hóa ở gan. Thời gian có tác dụng thường chỉ trong 4 – 6 giờ. Do đó, việc uống thuốc trước khi tiêm vắc-xin không có tác dụng dự phòng sốt. Chưa kể, sau tiêm khoảng 6- 8 giờ đáp ứng miễn dịch mới bắt đầu xuất hiện. Như vậy cơ thể chúng ta phải chuyển hóa thuốc thừa một cách không cần thiết.

Vì thế, phải uống đúng thời điểm và đúng hàm lượng, nghĩa là khi nào đau và sốt hãy uống, còn không thì thôi.

Để mong muốn có tác dụng tốt, thường chúng ta có xu hướng tăng liều hơn so với khuyến cáo, như vậy sẽ tăng gánh nặng chuyển hóa cho tế bào gan.

Một số biệt dược dưới dạng phối hợp các hoạt chất nhằm mục đích tăng cường hiệu quả giảm đau mà không phải tăng liều, những dạng này cũng cần phải có sự tư vấn của nhân viên y tế

Một số người cực đoan hơn, cho rằng đau mỏi, sốt thì cứ để như vậy mới tốt. Nhầm lẫn tai hại, bởi thuốc được sinh ra để giảm bớt sự khó chịu, đau mỏi cũng là 1 trạng thái stress cần phải giải tỏa nếu không có hại cho cơ thể.

Tuy nhiên, cái gì cũng có 2 mặt, thuốc dù không kê đơn cũng phải dùng đúng thời điểm và đúng liều, không được lạm dụng. Liều phù hợp để lá gan không bị tổn thương. Dùng đúng thời điểm để kiểm soát triệu chứng cho tốt. Nắm vững cơ bản, có thể áp dụng vào đời sống thường ngày để an toàn khoẻ mạnh.

Bạn đang đọc bài viết Giải mã 'bí quyết' để không sốt, không đau sau tiêm mũi 2 vắc xin Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới