Những quốc gia nào đang triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 2 tuổi?
Sau khi hoàn tất mục tiêu bảo vệ người cao tuổi, nhóm dễ bị tổn thương về y tế và lực lượng lao động chính..., nhiều quốc gia đang xúc tiến kế hoạch tiêm phòng Covid-19 cho trẻ em.
Theo CNN, dữ liệu từ thời kì đầu của đại dịch cho thấy trẻ em ít có nguy cơ chuyển biến nặng nếu mắc Covid-19.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Delta đã làm thay đổi cục diện, và số trẻ em mắc Covid-19 nặng đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là khi các quốc gia bắt đầu mở cửa trường học trở lại.
Trong bối cảnh trên, nhiều quốc gia quyết định đẩy mạnh tiêm chủng cho nhóm đối tượng trẻ em và trẻ vị thành niên trên 12 tuổi.
Hiện một số nước thậm chí đã bắt đầu triển khai tiêm chủng đối với nhóm trẻ có độ tuổi thấp hơn.
Trong tháng 9, Cuba đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm chủng cho trẻ em từ 2 tuổi sau khi cơ quan y tế nước này khẳng định các loại vắc-xin nội địa an toàn cho trẻ nhỏ. Nhóm đối tượng từ 2 đến 18 tuổi ở Cuba được tiêm vắc-xin Soberana-02, với liệu trình hai liều Soberana-02 và một liều Soberana Plus.
Theo số liệu thống kê mới nhất, đã có tổng cộng 1,8 triệu liều vắc-xin được tiêm cho nhóm từ 2 đến 18 tuổi ở Cuba.
Đảo quốc 11,2 triệu dân này đặt mục tiêu đến cuối tháng 9 sẽ tiêm ít nhất một mũi vắc-xin cho hai triệu trẻ em để chuẩn bị mở cửa trở lại trường học.
Các trường học ở Cuba đã bị đóng cửa từ tháng 3/2020 và trẻ em phải học từ xa qua các chương trình truyền hình.
Ngoài Cuba, một số quốc gia khác như Trung Quốc, Chile, El Salvador và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc-xin ngừa COVID-19 cho trẻ em.
Tại Hà Lan
Hà Lan bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em trên 12 tuổi vào đầu tháng 7. Trẻ em từ 12-16 tuổi được khuyến cáo nên nhận được sự đồng ý của cha mẹ trước khi tiêm chủng.
Bộ trưởng Y tế Hà Lan Hugo de Jonge cho biết, ông hy vọng càng nhiều phụ huynh cho phép con mình tiêm vaccine càng tốt để trường học tránh phải đóng cửa để phòng dịch Covid-19.
Tại Thụy Điển
Thụy Điển đã bắt đầu cho trẻ vị thành niên từ 16-18 tuổi đặt lịch hẹn tiêm vaccine từ tháng 8.
Trẻ em từ 12-16 tuổi tại Thụy Điển chỉ đủ điều kiện tiêm chủng nếu thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh hoặc sống cùng người có nguy cơ lây nhiễm cao.
Tại Đức
Việc tiêm chủng cho trẻ em và trẻ vị thành niên đã trở thành chủ đề được tranh luận sôi nổi tại Đức.
Bộ trưởng Y tế Jens Spahn trong tuần này cho biết: “Trẻ em và thanh thiếu niên có thể quyết định có tiêm chủng hay không sau khi nghe tư vấn y tế. Việc tiêm phòng nhằm để bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh”.
Tuy nhiên, Ủy ban Tiêm chủng thường trực Đức (STIKO) chỉ khuyến cáo tiêm chủng cho người từ 12-17 tuổi nếu họ nguy cơ lây nhiễm, với lý do không đủ dữ liệu về những ảnh hưởng lâu dài có thể xảy ra.
Cho đến nay, 20% trong số những người từ 12-17 tuổi tại Đức đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và gần 10% đã tiêm chủng đủ 2 mũi.
“Các chính trị gia đang gây áp lực không cần thiết để các phụ huynh cho phép con đi tiêm chủng trước thềm năm học mới, nếu không sẽ bị cho là ích kỷ. Trẻ em nếu nhiễm SARS-CoV-2 sẽ không mắc bệnh nghiêm trọng và các em không cần tiêm chủng để bảo vệ phần còn lại của cộng đồng”, Ruth Stein, người có 3 con từ 5-14 tuổi, nói.
Trong khi đó, có những phụ huynh sẵn sàng đưa con mình đi tiêm vaccine. Một người cha cho biết, ông đã không ngần ngại đưa 2 cậu con trai 12 tuổi và 13 tuổi đi tiêm chủng vào tháng 7.
“Tiêm vaccine sẽ luôn có lợi hơn và tránh được nguy cơ mắc bệnh. Có rất ít bằng chứng cho thấy những ảnh hưởng lâu dài của việc tiêm vaccine cho trẻ em”, người cha cho biết.
Tại UAE, vắc-xin Vero Cell (của Sinopharm, Trung Quốc) đã được cấp phép sử dụng cho trẻ em và trẻ vị thành niên từ 3 đến 17 tuổi
Tại Trung Quốc cũng đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc-xin Sinovac và Sinopharm cho nhóm đối tượng 3-17 tuổi, nhưng mới chủ yếu triển khai tiêm vắc-xin cho nhóm từ 12 tuổi trở lên. Sự bùng phát của ổ dịch trường tiểu học ở thành phố Phủ Điền (tỉnh Phúc Kiến) hồi giữa tháng 9 đã khiến nhiều chuyên gia y tế Trung Quốc lên tiếng kêu gọi triển khai tiêm vắc-xin cho nhóm tuổi nhỏ hơn để tăng cường bảo vệ trẻ em và bảo vệ những nhóm đối tượng khác có nguy cơ lây virus từ trẻ em.
Tại Mỹ, liên doanh Pfizer/BioNTech ngày 28/9 đã gửi dữ liệu thử nghiệm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em 5-11 tuổi lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), và dự kiến sẽ chính thức nộp hồ sơ xin cấp phép trong vài tuần tới. Liều lượng vắc-xin sử dụng cho trẻ em là 10 microgram mRNA, tương đương 1/3 liều lượng 30 microgram của người trưởng thành.
Trước đó, vắc-xin của Pfizer/BioNTech đã được cấp phép sử dụng cho nhóm 12-15 tuổi chỉ khoảng một tháng sau khi hãng dược nộp hồ sơ.
Điều này khiến nhiều người hy vọng trẻ em Mỹ có thể bắt đầu được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 bắt đầu từ cuối tháng 10.
Tại Chile, trẻ em từ 6 tuổi trở lên được tiêm vắc-xin Sinovac (của Trung Quốc) bắt đầu từ ngày 27/9. Thứ trưởng Bộ Y tế Chile - bà Paula Daza thông báo nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 1,5 triệu trẻ em.
Bộ trưởng Giáo dục Raul Figueroa cho biết trẻ em chỉ có thể được tiêm vắc-xin nếu có sự đồng ý của phụ huynh.
Tại Tây Ban Nha
Chiến dịch tiêm chủng tại Tây Ban Nha được triển khai theo từng khu vực, bởi vậy tỷ lệ tiêm chủng cho thanh thiếu thiên rất khác nhau. Tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vaccine cho thanh thiếu niên từ 12 đến 19 tuổi ở một số khu vực là hơn 40%, nhưng ở một số nơi khác con số này chỉ là 1%.
Vùng Catalonia cho biết, trong tuần này họ sẽ bắt đầu cho phép trẻ em từ 12-15 tuổi đặt lịch hẹn tiêm vaccine Covid-19.
Chính phủ Tây Ban Nha cho biết, họ muốn tiêm chủng cho trẻ em ít nhất 2 tuần trước khi năm học mới bắt đầu vào tháng 9.
Theo Amós García Rojas, người đứng đầu Hiệp hội Tiêm chủng Tây Ban Nha, mức độ sẵn sàng tiêm chủng trong nhóm tuổi này rất cao.
Ông Rojas cũng cảnh báo về tình trạng chênh lệch vaccine Covid-19 và kêu gọi cân bằng giữa việc triển khai vaccine ở các nước phát triển và thống nhất trong việc cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển để tất cả cùng có thể ngăn chặn đại dịch.
Tại Italy
Italy đặt mục tiêu tiêm chủng cho phần lớn trẻ vị thành niên trước khi năm học mới bắt đầu vào tháng 9.
Vào cuối tháng 5, Cơ quan quản lý dược phẩm Italy (AIFA) đã phê duyệt sử dụng vaccine Pfizer cho trẻ em từ 12-15 tuổi và tuần trước vaccine Moderna đã được cấp phép tiêm chủng cho trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi tại quốc gia Nam Âu này.
Một chiến dịch truyền thông nhằm thúc đẩy tiêm chủng ở trẻ vị thành niên tại Italy đã khuyến khích gần 35% người từ 12-19 tuổi đi tiêm mũi đầu viên và 18% đã tiêm cả 2 liều vaccine.
Mặc dù vậy, chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em ở Italy cũng gây ra không ít tranh cãi. Fabrizio Pregliasco, nhà virus học tại Đại học Milano, cho biết, trẻ em từ 2 tuổi cũng nên được tiêm chủng.
“Trẻ em ở độ tuổi này cũng xuất hiện trong chuỗi lây nhiễm virus và nếu được tiêm chủng, khi lớn lên, các em sẽ được bảo vệ trong trường hợp mắc bệnh.
Nếu đưa trẻ em và trẻ vị thành niên tham gia vào chiến dịch tiêm chủng, chúng ta sẽ có thể đạt được miễn dịch cộng đồng”, ông Pregliasco nói.