0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Chủ nhật, 16/08/2020 09:15 (GMT+7)

6 tháng đầu năm ảm đạm, ngân hàng dồn dập tăng vốn vào cuối năm

6 tháng đầu năm 2020, số lượng các ngân hàng tăng vốn điều lệ không nhiều. Khả năng lớn trong nửa cuối năm, các ngân hàng sẽ dồn dập tăng vốn.

6 tháng đầu năm, ngân hàng dè dặt  tăng vốn

Trong 6 tháng đầu năm, có khoảng 4 ngân hàng đã tăng vốn điều lệ gồm MB, OCB, SHB và LienVietPostBank.

Cụ thể, SHB đã phát hành thêm 300.78 triệu cp cho cổ đông hiện hữu. Qua đó, vốn điều lệ của SHB tăng từ 14.546 tỷ đồng lên mức hơn 17,553 tỷ đồng.

Ngày 20/02/2020 trước đó, SHB đã phát hành 251.44 triệu cp để trả cổ tức năm 2017 và năm 2018. Như vậy, SHB đã phát hành tổng cộng hơn 552 triệu cp trong quý 1/2020 cho cổ đông hiện hữu.

Tháng 2/2020, NHNN chấp thuận việc MB tăng vốn điều lệ từ 23.727 tỷ đồng lên 24.417 tỷ đồng. Tháng 3/2020, OCB đã tăng vốn điều lệ từ 7.898 tỷ đồng lên 8.767 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài là Ngân hàng Aozora.

LienVietPostBank cũng đã phát hành 88 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức, qua đó nâng vốn điều lệ của ngân hàng này từ 8.944 lên 9.768 tỷ đồng. 

Mức vốn điều lệ mới này của LienVietPostBank cao gấp khoảng 3 lần mức vốn điều lệ vào thời điểm thành lập Ngân hàng (3.300 tỷ đồng, tháng 3/2008).

Hàng loạt ngân hàng dồn dập kế hoạch tăng vốn

Mới đây nhất, NHNN chấp thuận việc ACB tăng vốn điều lệ từ 16.627 tỷ đồng lên 21.615 tỷ đồng. Dưới hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức năm 2019 theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông ACB thông qua tại Nghị quyết số 1798/TCQĐ-ĐHĐCĐ.20 ngày 16/6/2020. Thời gian phát hành dự kiến vào quý IV năm nay.

Đối với BacABank, NHNN chấp thuận việc BacABank tăng vốn điều lệ từ 6.500 tỷ đồng lên 7.085 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành thêm 58,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, với tỉ lệ chia là 9,0%.

Từ giờ đến hết năm, nhiều ngân hàng quy mô lớn cũng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ. Chẳng hạn như Techcombank dự kiến tăng vốn điều lệ năm 2020 lên 35.049 tỷ đồng thông qua việc phát hành hơn 4,7 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thời gian thực hiện trong quý III hoặc quý IV năm nay. Cổ phần phát hành thêm không hạn chế chuyển nhượng.

MB tiếp tục lên kế hoạch tăng vốn điều lệ đợt 2 bằng chào bán riêng lẻ 258,4 triệu cổ phần, qua đó dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ của ngân hàng này lên 27.988 tỷ đồng. Phương án dự kiến được thực hiện trong quí III đến quí IV của năm 2020.

Khối ngân hàng nhỏ cũng đang dồn dập lên kế hoạch tăng vốntrong năm nay. Cụ thể, Nam A Bank sẽ chào bán cho cổ đông hiện hữu gần 44 triệu cổ phần và chào bán riêng lẻ hơn 50 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, TPBank được cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 19%, từ 8.566 tỷ đồng lên 10.199 tỷ đồng bằng phương án trả cổ tức cổ phiếu với tỷ lệ 20%.

Được biết, kế hoạch tăng vốn này đã từng được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 tuy nhiên ngân hàng chưa thực hiện được. Lãnh đạo ngân hàng cho biết, nguyên nhân do việc kêu gọi nhà đầu tư trong nước gặp một số khó khăn do tác động của thị trường cổ phiếu năm 2019.

Tương tự, VietBank dự kiến tăng vốn điều lệ từ mức 4.190 tỷ đồng lên gần 4.819 tỷ đồng từ lợi nhuận giữ lại của giai đoạn 2017-2019 (khoảng 629 tỷ đồng) thông qua việc phát hành 62,87 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Việc tăng thêm vốn điều lệ sẽ giúp ngân hàng bổ sung nguồn vốn kinh doanh, từ đó tăng khả năng sinh lời, nhưng không phải cứ muốn là có thể thực hiện được ngay.

Thực tế, việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ còn phụ thuộc vào diễn biến thị trường chứng khoán và ngân hàng có tìm được nhà đầu tư phù hợp hay không.

Năm nay, trong bối cảnh thị trường có khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kế hoạch phát hành cổ phiếu huy động thêm vốn của ngân hàng không dễ dàng như trước

Đáng chú ý, trong thời gian qua, các ngân hàng vốn nhà nước gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agibank đều gặp khó khăn hơn trong việc tăng vốn so với các ngân hàng tư nhân do cần sự phê duyệt của nhiều cấp thẩm quyền hơn.

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo

Bạn đang đọc bài viết 6 tháng đầu năm ảm đạm, ngân hàng dồn dập tăng vốn vào cuối năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.

Tin mới