6 mục tiêu then chốt trong năm 2021 của Việt Nam để phát triển kinh tế - xã hội
Các chuyên gia đánh giá đây là thời điểm thuận lợi để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ kết hợp với việc cải thiện nhiều chính sách có lợi cho nhà đầu tư.
Sáng 22/12 tại Hà Nội đã chính thức khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2020 với chủ đề "Thách thức và cơ hội trong trạng thái bình thường mới".
Sự kiện được đồng chủ trì bởi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc Quốc gia cấp cao - Tổ chức Tài chính Quốc tế, ông Kyle F. Kelhofer và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới, bà Carolyn Turk.
Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư và đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt nam.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Bước vào năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: Việt Nam đang hướng đến các mục tiêu:
Tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội;
Thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế;
Đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số;
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo;
Cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để khơi thông các nguồn lực cho phát triển;
Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng của VBF - sự kiện được tổ chức thường niên để tạo nên một cơ chế đối thoại liên tục, chặt chẽ giữa Chính phủ với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Điều này nhằm nỗ lực cải thiện hệ thống cơ sở pháp luật, các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư và đóng góp to lớn vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh cùng đồng hành với Chính phủ, VBF đã đưa ra nhiều sáng kiến có hữu ích và có giá trị, đem lại hiệu quả trong việc triển khai các chính sách kinh tế tài chính để kịp thời đáp ứng nhu cầu và sự mong mỏi của số đông doanh nghiệp; nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 như hiện nay. Chính phủ đặc biệt coi trọng những đóng góp và sự nỗ lực chung tay ấy.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu các bộ, ngành phối hợp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp hồi phục sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
"Việc kiến tạo môi trường thuận lợi để giúp cộng đồng doanh nghiệp sớm phục hồi và vươn lên, lấy lại động lực phát triển trong trạng thái "bình thường mới" là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô năm nay", Phó Thủ tướng khẳng định.
Theo Phó Thủ tướng, trạng thái "bình thường mới" sẽ tạo ra cả cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội phải có những cách tiếp cận mới, những cách thức và biện pháp mới trong chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách, cũng như trong xây dựng và tổ chức triển khai các chiến lược, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội, về đầu tư, kinh doanh.
Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo