6 điểm sáng trên bức tranh kinh tế Việt Nam tháng 1 năm 2024
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng; Xuất nhập khẩu 1 tháng gần 30 tỷ USD; Chỉ số giá tiêu dùng tháng đầu năm tăng 0,31% là những điểm sáng trên bức tranh kinh tế Việt Nam tháng 1 năm 2024.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 1,6%
Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2024 ước đạt 524,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 13,3% ), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,1%).
Tổng cục Thống kê nhận định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 1/2024 đạt quy mô cao hơn so với cùng kỳ các năm trước do nhu cầu tiêu dùng các vật phẩm văn hóa, giáo dục; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1/2024 ước đạt 407,5 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, nhóm hàng vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 22,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 13,4%; lương thực, thực phẩm tăng 6,2%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 2,5%; hàng may mặc tăng 1,5%.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như Quảng Ninh tăng 11%; Hải Phòng tăng 10,4%; Đà Nẵng tăng 9,2%; Đồng Nai tăng 8,1%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,5%; Bình Dương tăng 7,0%; Hà Nội tăng 6,1%; Bình Định tăng 4,2%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 01/2024 ước đạt 58,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Đà Nẵng tăng 29,9%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 14,7%; Hà Nội tăng 10,8%; Thừa Thiên - Huế tăng 9,3%; Bắc Ninh tăng 8,1%; Bình Định tăng 7,0%; Bình Dương tăng 6,6%.
Doanh thu dịch vụ khác tháng 01/2024 ước đạt 53,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể mức tăng, giảm tháng 01/2024 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Thành phố Hồ Chí Minh tăng 17,2%; Lâm Đồng tăng 15,3%; Cần Thơ tăng 13,7%; Kiên Giang tăng 11,8%; Hà Tĩnh tăng 10,8%; Bình Dương tăng 9,4%; Hải Phòng tăng 8,4%; Hà Hội tăng 6,5%; Ninh Bình tăng 5,3%; Thừa Thiên - Huế giảm 2,3%; Thái Nguyên giảm 5,8%; Phú Thọ giảm 8,8%; Đà Nẵng giảm 34,9%.
Xuất nhập khẩu 1 tháng gần 30 tỷ USD
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu trong nửa tháng đầu năm đạt gần 15,09 tỷ USD. So với nửa cuối tháng 12/2023, kim ngạch giảm nhẹ song nếu so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu tăng 600 triệu USD.
Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện đạt 2,86 tỷ USD (tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,25 tỷ USD (tăng 22,2%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 1,63 tỷ USD, hàng dệt may đạt 1,29 tỷ USD...
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa tháng đầu năm đạt 14,7 tỷ USD, tăng 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhóm hàng nhập khẩu tăng phải kể đến như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện; sắt thép các loại...
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 15 ngày tháng 1 đạt gần 29,8 tỷ USD, tăng 1,54 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp cho tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, các doanh nghiệp FDI đạt 20,5 tỷ USD, tăng 0,9% (tương ứng tăng 174 triệu USD), khối doanh nghiệp trong nước đạt 9,3 tỷ USD, tăng 12,7% (tương ứng tăng 1,05 tỷ USD).
Cán cân thương mại hàng hóa trong nửa tháng đầu năm thặng dư 384 triệu USD.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng đầu năm tăng 0,31%
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2024 tăng 0,31% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2023, CPI tháng 1 tăng 3,37%; lạm phát cơ bản tăng 2,72%.
Theo cơ quan thống kê quốc gia, một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 22, Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu là những nguyên nhân chính làm cho CPI tháng 1/2024 tăng 0,31% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2023, CPI tháng 1 tăng 3,37%.
Trong mức tăng 0,31% của CPI tháng 1 so với tháng trước có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Cụ thể, 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 1,02%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,56%; nhóm giao thông tăng 0,41%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,40%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,38%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,22%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,21%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,11%.
2 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05% do các hãng thực hiện các chương trình khuyến mại giảm giá đối với một số loại điện thoại di động; nhóm giáo dục giảm 0,12%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 18,3% so với cùng kỳ
Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng nay 29/1, theo đó chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2024 ước tính giảm 4,4% so với tháng trước và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 15,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; sản xuất và phân phối điện tăng 21,6%, đóng góp 1,9 điểm phần trăm; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 7,3%, đóng góp 1,2 điểm phần trăm.
Báo cáo nêu, tốc độ tăng, giảm chỉ số sản xuất tháng 01/2024 của một số ngành trọng điểm cấp II so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 66,7%; dệt tăng 46,2%; sản xuất thiết bị điện tăng 43,3%; sản xuất kim loại tăng 39,4%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất cùng tăng 38,7%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 34,7%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác và sản xuất trang phục cùng tăng 20,9%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 17,2%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 13,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 7,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 5,6%; sản xuất đồ uống tăng 3,7%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 1,1%.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao . Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm .
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong tháng 01/2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Đường kính tăng 66,2%; thép cán tăng 59,6%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 57,1%; sữa bột tăng 47,4%; sơn hóa học tăng 44,7%; phân hỗn hợp NPK tăng 40,7%; thép thanh, thép góc tăng 37,5%; thuốc lá điếu tăng 34,7%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Linh kiện điện thoại giảm 15,3%; ti vi giảm 11,3%; điện thoại di động giảm 3,5%; dầu mỏ thô khai thác giảm 2,2%.
Bên cạnh đó, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/01/2024 tăng 0,5% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,1% so với cùng thời điểm năm trước.
Doanh nghiệp thành lập mới tháng 1/2024 tăng mạnh
Theo ghi nhận của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1/2024 tăng mạnh cả về số doanh nghiệp lẫn số vốn đăng ký…
Cụ thể, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1/2024 là 13.536 doanh nghiệp (tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2023) với số vốn đăng ký thành lập đạt 151.451 tỷ đồng (tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2023).
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, có 13/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2023, trong đó những ngành có mức tăng mạnh gồm: Hoạt động dịch vụ khác (tăng 64,4%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (tăng 48,7%); Vận tải kho bãi (tăng 44,3%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (tăng 34,6%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 31,9%); Giáo dục và đào tạo (tăng 27,0%); Khai khoáng (tăng 25,5%); Xây dựng (tăng 23,2%)…
Tuy vậy, doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ (từ 0 - 10 tỷ đồng) với 12.432 doanh nghiệp (chiếm 91,8%, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2023), chủ yếu thuộc nhóm ngành Dịch vụ với 10.177 doanh nghiệp, chiếm 75,2% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 24,4% so với năm ngoái.
Tháng 1/2024, thu hút FDI tăng mạnh
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/1, tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn đầu tư đăng ký mới tăng mạnh.
Cụ thể, trong tháng đầu tiên của năm 2024, 190 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 24,2% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 66,9% so với cùng kỳ. Số dự án tăng, đặc biệt là dự án quy mô lớn (hơn 600 triệu USD) là một trong những nhân tố chính thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh.
Đồng thời, vốn giải ngân cũng rất khả quan, đạt mức 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 15 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, kinh doanh bất động sản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 1,27 tỷ USD, chiếm 53,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 2 lần so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 926 triệu USD, chiếm 39,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 65,2 triệu USD và gần 54,5 triệu USD.
Về số lượng dự án, bán buôn, bán lẻ là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 38,9%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 49,4%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỉ trọng số lượt điều chỉnh vốn cao nhất (73,3%).
Xét theo đối tác đầu tư, đã có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong tháng 1/2024; trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 1,4 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư, tăng 72,8% so với cùng kỳ 2023; Nhật Bản đứng thứ hai với gần 297 triệu USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 7 lần so với cùng kỳ; tiếp theo là Samoa, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc),…
Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm gần 19%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 26,7%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 25,3%).