0915 15 67 76 [email protected]
Thứ hai, 06/09/2021 08:32 (GMT+7)

3 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ nông sản

Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sản xuất, lưu thông và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tháng 8/2021. Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức "Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản”.

3 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ nông sản
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì Tọa đàm trực tuyến "Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản”. Ảnh: Báo nhân dân

Những khó khăn đang gặp phải

Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), xuất khẩu nửa đầu tháng 8/2021 giảm 41% về trị giá so với nửa cuối tháng 7/2021 và giảm 30,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết tình hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn kiểm soát được nhưng còn nhiều khó khăn. Trong khi các hợp tác xã, tổ hợp tác có điều kiện tiêu thụ sản phẩm thì nông dân không bán được hàng, chi phí sản xuất tăng gấp 3-4 lần. Trái thanh long chủ lực của tỉnh cũng đang gặp khó khăn về đầu ra do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Còn ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đánh giá tình hình sản xuất, phân phối, lưu thông nông sản của Cần Thơ gặp rất nhiều khó khăn, 95% doanh nghiệp tại TP đã đóng cửa. Từ thực trạng khó khăn trong tiêu thụ nông sản, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ ông Trần Việt Trường đề nghị nên có gói hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp thủy sản. Ông Trường cũng đề nghị Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT nghiên cứu tổ chức bố trí trung tâm logistics của ĐBSCL đặt tại Cần Thơ để hỗ trợ kết nối cho nông dân, doanh nghiệp và giữ cho chuỗi cung ứng - sản xuất không đứt gãy, duy trì hoạt động của DN và bảo đảm đời sống người dân.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. HCM, nhìn nhận chưa bao giờ các doanh nghiệp trải qua nhiều khó khăn như hiện nay. Khó khăn lớn nhất không chỉ là đứt gãy chuỗi cung ứng mà khi sản xuất "3 tại chỗ" thì cũng chỉ có 30%-40% doanh nghiệp sản xuất, dẫn đến lượng tiêu thụ đầu ra (chủ yếu cung ứng cho TP. HCM) của các tỉnh cũng bị ảnh hưởng.

Ba giải pháp gỡ khó cho nông sản

Phát biểu tại buổi tọa đàmBộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao nỗ lực của các địa phương, doanh nghiệp trong thời gian qua, đồng thời cũng chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong tiêu thụ nông sản do tư duy cắt khúc trong quản lý. Ngoài ra để giúp bà con nông dân tìm giải pháp căn cơ tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng đã đưa ra 3 giải pháp như sau

Một là, thoát khỏi tư duy mùa vụ. Trước bất cứ sức ép nào trong ngắn hạn, nông dân cũng cần chung vai với ngành nông nghiệp để đưa ra những tầm nhìn dài hạn từ 5 đến 10 năm.

Hai là, tăng cường đối thoại, người đứng đầu ngành nông nghiệp chia sẻ, rằng bất cứ ngành chuyên môn nào đều cần tam giác phát triển, gồm nhà nước - thị trường - xã hội. Chỉ khi mở rộng khoảng giao thoa này đủ lớn, những bất trắc, rủi ro mới giảm xuống.

Ba là, mở rộng các không gian phát triển. Trước đây, ngành nông nghiệp và nhiều ngành khác đã đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết tiểu vùng. Tuy nhiên, hợp tác như vậy, ranh giới địa lý vẫn hằn lên tư duy phát triển, bởi thương lái Cần Thơ đi thu mua lúa ở Đồng Tháp sẽ băn khoăn là GDP sẽ được tính cho địa phương nào.

3 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ nông sản
Việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác sẽ góp phần hạn chế đứt gãy trong sản xuất, tiêu thụ, cung ứng nông sản. Ảnh: Ngọc Trinh

“Đây là một dịp thử thách tư duy liên kết vùng, hay rộng hơn là không gian phát triển của đồng bằng sông Cửu Long. Hiện chúng ta vẫn đang tư duy theo hướng chia cắt ra các tỉnh. Để thích ứng với một loạt vấn đề như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp phải thay đổi, đề ra những chiến lược phát triển chung cho toàn bộ 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó nhấn mạnh tính liên kết vùng", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bạn đang đọc bài viết 3 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ nông sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá xăng dầu quay đầu giảm 320 đồng/lít
Theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h ngày 25/4, giá xăng E5 giảm 310 đồng/lít, giá bán là 23.910 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 320 đồng/lít, giá bán là 24.910 đồng/lít.
HoSE lên tiếng sau sự cố nghẽn lệnh
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, hiện đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống để kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023