Nâng cao hiệu quả tiêu thụ nông sản các tỉnh phía Nam
Có thể thấy vấn đề đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp là bài toán khó lâu nay.
Theo kế hoạch, Trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) sẽ phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội thảo Đầu ra cho nông sản các tỉnh khu vực phía Nam vào ngày 23/7 tại UEH phân hiệu Vĩnh Long (Số 1B, Nguyễn Trung Trực, Phường 8, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long).
Sự kiện được tổ chức nhằm đưa ra các giải pháp liên kết 6 nhà, đem lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từ chính sách đến thực tiễn doanh nghiệp và thị trường, hiện trạng và giải pháp cho đầu ra nông sản các tỉnh phía Nam.
Nội dung hội thảo sẽ xoay quanh các chủ đề xoay quanh các chủ đề: Tìm hiểu thực trạng chuỗi giá trị ngành hàng nông sản chủ lực của các tỉnh khu vực phía Nam; tìm ra những vướng mắc trong mối liên kết “6 nhà” tại các tỉnh khu vực phía Nam và giải pháp tháo gỡ; vai trò của các doanh nghiệp, trang trại và hợp tác xã nông nghiệp trong chuỗi giá trị ngành hàng nông sản; hợp tác giữa nhà nước và nhà khoa học trong việc thúc đẩy chuỗi giá trị ngành hàng nông sản để tìm kiếm giải pháp hiệu quả cho đầu ra của ngành nông nghiệp các tỉnh khu vực phía Nam.
Có thể thấy vấn đề đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp là bài toán khó lâu nay. Có rất nhiều nguyên nhân được đề cập tới như: Các doanh nghiệp lớn chưa mặn mà trong lĩnh vực nông nghiệp nên quy mô các doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 96% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, và chủ yếu tham gia vào khâu thu gom, sơ chế và tiêu thụ, thay vì từ khâu sản xuất.
Trái cây là thế mạnh nông sản phía Nam
Các hộ sản xuất chưa chú ý tới việc liên kết nhóm hộ mà vẫn sản xuất tự phát, việc tổ chức liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn lỏng lẻo, chưa có sự phối hợp đồng bộ. Khả năng liên kết của người dân còn yếu; số lượng mô hình chuỗi nông sản an toàn chưa nhiều (khoảng 11-14% sản lượng nông nghiệp Việt Nam tiêu thụ thông qua các chuỗi liên kết).
Phần lớn sản phẩm nông nghiệp chưa được bảo quản chế biến một cách khoa học, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến chưa được đầu tư đúng mức nên tổn thất rất cao cả về số lượng (11-13% với lúa, 13-15% với ngô, 25-30% với rau) và về chất lượng (nhiễm aflatoxin, mốc, mọt…).
Tỷ lệ cà phê chế biến sâu quá thấp, chưa đạt 10%, chỉ khoảng 14% nhà sản xuất hiện tại có liên kết với chuỗi kho lạnh. Tình trạng tiêu thụ sản phẩm vẫn còn qua nhiều khâu trung gian, kéo theo chi phí logistics cao chiếm 20-25% tổng chi phí…
Thực tế thời gian qua, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản, các tỉnh/thành phố tại khu vực phía Nam đã triển khai nhiều giải pháp kết nối doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất với các kênh phân phối hiện đại và truyền thống; đồng thời hỗ trợ DN tham gia xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
Điển hình như tỉnh Đồng Tháp, để kích cầu cho các mặt hàng nông, thủy sản của địa phương, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều giải pháp kết nối các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong tỉnh với kênh phân phối hiện đại như Saigon Co.op, Hapro, SATRA, Big C, Lotte, Vinmart, Siêu thị Tứ Sơn... Bên cạnh việc đẩy mạnh đưa các sản phẩm nông thủy sản vào kênh phân phối hiện đại, tỉnh Đồng Tháp cũng triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để đưa hàng hóa của tỉnh vào các chợ truyền thống, chợ đầu mối, nhà hàng, các đại lý phân phối, các thương nhân đầu mối.
Hay như tỉnh Lâm Đồng, hàng năm tỉnh đều tổ chức cho các DN, cơ sở sản xuất tham gia trưng bày, giới thiệu, kết nối với nhà phân phối, nhà tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam. Qua đó các DN quảng bá, kết nối phân phối và tiêu thụ rất tốt.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm