Xuất nhập khẩu Việt Nam đạt 60,29 tỷ USD trong tháng đầu tiên của năm 2022
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 01/2022 đạt 60,29 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021, riêng giá xuất khẩu đạt 30,84 tỷ USD, trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng cao so với cùng kỳ.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 01/2022 đạt 60,29 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu đạt 30,84 tỷ USD, tăng 8,1% (tương ứng tăng 2,3 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 29,45 tỷ USD tăng 11,3% (tương ứng tăng 2,98 tỷ USD). Như vậy, trong tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa tháng thặng dư 1,39 tỷ USD.
Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 01/2022 đạt 41,57 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất nhập khẩu, trong tháng 01/2022, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 38,15 tỷ USD, tăng 7,2% so với tháng 01/2021, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (63,3%) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước.
Tiếp đến là châu Mỹ đạt 13,18 tỷ USD, tăng 15,6%; châu Âu: 7,05 tỷ USD, tăng 10,2%; châu Đại Dương: 1,26 tỷ USD, tăng 24% và châu Phi: 646 triệu USD, tăng 4,8% so với tháng 01/2021.
Mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng cao
Trong tổng trị giá xuất khẩu 30,84 tỷ USD của tháng đầu năm 2022, điện thoại các loại và linh kiện đạt 4,5 tỷ USD, giảm 26,1% so với tháng 1/2021.
Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng này sang Hoa Kỳ đạt 1,07 tỷ USD, giảm 8,9%; Trung Quốc: 956 triệu USD, giảm 35,5%; Hàn Quốc: 299 triệu USD, giảm 18,3%... so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 01/2022 cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực khi đạt 3,57 tỷ USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 1,85 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 51,9% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước; tiếp theo là thị trường EU (27 nước) đã tiêu thụ 382 triệu USD, tăng 39,1%; Hàn Quốc tiêu thụ 314 triệu USD, tăng 33,4%...
Nhóm hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,1 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng đầu tiên của năm 2022, xuất khẩu của nhóm hàng này sang Hoa Kỳ đạt 975 triệu USD, tăng 3,9%; sang thị trường Trung Quốc đạt 760 triệu USD, giảm 6,6%; sang EU (27 nước) đạt 660 triệu USD, tăng 20,2%; sang Hồng Kông đạt 420 triệu USD, giảm 5%...so với cùng kỳ năm 2021.
Đối với nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác trong tháng 01/2022 đạt 3,5 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng trong tháng 01/2022 chủ yếu gồm: Hoa Kỳ với 1,58 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5%; EU (27 nước) đạt trị giá 473 triệu USD, tăng 18,6%; Nhật Bản với 255 triệu USD, tăng 24,2%... so với tháng 01 năm 2021.
Bên cạnh đó hàng gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,55 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 01/2022, xuất khẩu nhóm hàng này chủ yếu sang các thị trường: Hoa Kỳ đạt 928 triệu USD, tăng 12,8%; Nhật Bản: 153 triệu USD, tăng 16,3%; Trung Quốc: 134 triệu USD, tăng 27%... so với cùng kỳ năm 2021.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục quán triệt, bám sát các chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao, của Chính phủ về việc đảm bảo hoạt động sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng, không ngừng mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu, đảm bảo nguồn cung từ thị trường nhập khẩu, tập trung thực hiện các giải pháp để phát triển thị trường khu vực châu Á – châu Phi trong thời gian tới, cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thương mại song phương và hợp tác tiểu vùng của Việt Nam với các đối tác trong khu vực nhằm đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng xuất nhập khẩu hướng tới mục tiêu phát triển thương mại bền vững của Việt Nam.
Thứ hai, tiến hành giao thiệp ở các cấp với các đối tác nước ngoài nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động thương mại thông suốt, giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.
Thứ ba, thực thi hiệu quả các FTAs đã ký như ACFTA, VKFTA, VJEPA, RCEP, CPTPP… Tích cực khai thác các cơ hội xuất khẩu sang thị trường các nước trong RCEP khi hiệp định này chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác thông tin, hướng dẫn tiếp cận thị trường, trong đó chú trọng nâng cao nhận thức về phát triển thị trường chủ lực, mở rộng thông tin về các thị trường mới, thị trường ngách.
Thứ năm, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối giao thương, tham dự hội chợ, triển lãm, trong đó đa dạng hóa các hình thức tổ chức và thực hiện, kết hợp giữa hoạt động trực tuyến và trực tiếp. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về thương mại, xúc tiến thương mại.
Thứ sáu, nâng cao năng lực của doanh nghiệp ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước, và chủ động nghiên cứu đề xuất các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước.