Xuất nhập khẩu đạt kỷ lục, Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục, đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD năm 2021, trở thành điểm sáng của nền kinh tế, đưa nước ta vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Ngày 9/1, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022.
Xuất khẩu tăng trưởng ngoạn mục, Nghệ An có một năm khởi sắc
Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn. Sản xuất công nghiệp vẫn duy trì và giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực với giá trị tăng đạt 4,82%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Cơ cấu ngành công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP cả nước.
Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có sự tăng trưởng ngoạn mục, trở thành điểm sáng của nền kinh tế, với tổng kim ngạch đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; trong đó xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn bứt phá, đạt mức tăng trưởng cao, đạt gần 332,25 tỷ USD.
Trong kết quả chung của ngành Công Thương cả nước năm 2021, Nghệ An cũng chứng kiến một năm khởi sắc trong hoạt động xuất, nhập khẩu, trở thành điểm sáng trong nền kinh tế tỉnh. Theo đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh ước đạt trên 3,36 tỷ USD, trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu năm đạt trên 2,4 tỷ USD, tăng 59,7% so với năm 2020.
Các doanh nghiệp Nghệ An đã xuất khẩu đi khoảng 125 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó kim ngạch một số thị trường chủ yếu gồm: Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ, Châu Âu. Một số thị trường xuất khẩu mới trong năm nay như: Đông Timor, Sierra Leone, Burundi, Marshall Islands, Luxembourg...
Không để hàng hóa xuất khẩu ùn ứ tại cảng biển, cửa khẩu
Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2022 tăng 6 - 6,5%, ngành Công Thương phấn đấu đạt chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 7 -8 %; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt từ 6-8%. Cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 7-8% so với năm 2021; tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu tăng 7,88%; điện thương phẩm tăng 7,1 -9,1%.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chúc mừng những kết quả ngành Công Thương đạt được trong năm khó khăn vừa qua; đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cho toàn ngành năm 2022 để thực hiện đạt các mục tiêu đề ra.
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia; tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho các ngành công nghiệp, năng lượng, chế biến, chế tạo, hóa chất, phân bón, sản xuất hàng tiêu dùng…
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng lưu ý ngành cần đánh giá toàn diện các tác động để tận dụng tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do FTA; đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa hàng hóa, nhất là các thị trường tiềm năng, truyền thống.
Giải quyết có hiệu quả những vướng mắc trong hoạt động thông quan hàng hóa, không để xảy ra hiện tượng ùn ứ tại cảng biển, cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc như thời gian vừa qua. “Phối hợp với các bộ, ngành địa phương để có giải pháp căn cơ, cụ thể, toàn diện để tăng tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc”, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Cùng với đó, ngành Công thương toàn quốc cần tập trung phát triển thương mại nội địa, đặc biệt là phát triển thương mại điện tử để tận dụng hiệu quả quá trình chuyển đổi số; tiếp tục tạo đột phá về thể chế chính sách theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.