Xuất khẩu vải sang Trung Quốc tăng nhanh mỗi ngày
Lái ô tô đường dài dưới trời nắng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro đòi hỏi tài xế nào cũng phải cẩn thận và hết sức lưu ý.
Thông tin từ cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn), lượng vải quả tươi xuất khẩu sang Trung Quốc đang tăng lên từng ngày.
Cụ thể, gần 1 tuần nay, lượng xe vận chuyển vải quả tươi xuất qua cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn tăng bình quân gấp 5 đến 6 lần so với đầu vụ. Trung bình mỗi ngày có từ 50 - 60 xe vải quả tươi được xuất khẩu, chiếm 2/3 lượng hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bà Hoàng Thị Thiều Hoa, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Mặt hàng vải thiều tại Chi cục Hải quan Tân Thanh chủ yếu là luồng xanh. Khi doanh nghiệp khai trên hệ thống, hồ sơ mang vào thì kiểm tra sơ bộ thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu. Một bộ hồ sơ trung bình chỉ làm trong khoảng 2 phút là xong”.
Vải tươi đang vào vụ thu hoạch
Theo Chi cục Hải quan Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) từ đầu vụ vải đến nay, đã có khoảng 13.500 tấn vải quả tươi được xuất sang Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 3,5 triệu USD. Thời điểm này, vải quả xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh được giá hơn. Hiện nay, mặc dù đã vào vụ thu hoạch rộ nhưng giá vải đang dao động từ 22.000-25.000 đồng/kg.
Đây là tín hiệu đáng mừng cho các tư thương, doanh nghiệp trong xuất khẩu mặt hàng này cũng như người trồng vải của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương.
Lượng xe vải quả tươi chiếm 2/3 lượng xe hàng chở nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc.
Việc tiêu thụ vải quả tươi thuận lợi sang thị trường Trung Quốc là tín hiệu tích cực đối với mặt hàng vải quả tươi cho các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương khi đang bước vào vụ thu hoạch rộ. Hiện nay, ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân Trung Quốc qua cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Bắc Giang để tiêu thụ vải nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid 19.
Đầu tháng 6/2020, Việt Nam đã cho phép 309 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam để thu mua vải thiều Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang nhưng phải thực hiện cách ly 14 ngày để phòng dịch Covid-19. Do vậy, trong các tháng tới, nhập khẩu vải thiều của Trung Quốc từ Việt Nam sẽ tăng mạnh khi vải thiều ở Việt Nam vào vụ thu hoạch chính.
Đặc biệt, ngoài nhu cầu dùng vải tươi, Trung Quốc còn dùng vải sấy khô làm mứt, bánh kẹo, thuốc, nước ép, ủ rượu. Hàng năm sản lượng vải tươi Trung Quốc đạt khoảng 1,55 triệu tấn, chiếm 50% tổng sản lượng trên thế giới, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu nội địa. Vì vậy, Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu vải để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm