Xuất khẩu thuỷ sản sang Nga đang có nhiều tín hiệu tích cực
Xuất khẩu thuỷ sản sang Nga đã hồi phục và đảo chiều tăng 36% trong tháng 7, tăng mạnh 98% trong tháng 8. Với nhiều tín hiệu khá tích cực, dự báo cả năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang Nga sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 16% đạt trên 190 triệu USD.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Nga trong tháng 3 và tháng 4 giảm sâu, lần lượt 86% và 46%. Nguyên nhân do xung đột Nga – Ukraine từ cuối tháng 2/2022 đã khiến vận tải tắc nghẽn, thanh toán thương mại khó khăn.
Tuy nhiên, từ tháng 5/2022, xuất khẩu thuỷ sản sang Nga đã hồi phục dần dần và từ tháng 7, xuất khẩu đã đảo chiều, tăng 36% và tăng mạnh 98% trong tháng 8.
Cá tra vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 22% xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Nga với gần 21 triệu USD trong 8 tháng đầu năm nay, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cá tra phile đông lạnh chiếm khoảng 75%, cá tra nguyên con chiếm khoảng 14%, cá tra cắt khúc chiếm 11%.
Trong khi xuất khẩu đa số sản phẩm thuỷ sản sang Nga đều sụt giảm vì bị gián đoạn trong giai đoạn đầu của chiến sự Nga – Ukraine, thì xuất khẩu cá chỉ vàng, cá ngừ, cá cơm sang thị trường này vẫn giữ được tăng trưởng dương.
Trong đó, xuất khẩu cá ngừ chiếm 17%, tăng 97% đạt gần 16 triệu USD, cá chỉ vàng tăng 6% đạt 14,6 triệu USD, chiếm 15%, cá cơm tăng 27% đạt 4,6 triệu USD.
Xuất khẩu tôm chân trắng, chả cá & surimi đều giảm sâu trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó xuất khẩu tôm chân trắng đạt trên 16 triệu USD, chiếm 17%, xuất khẩu chả cá surimi đạt trên 12 triệu USD, chiếm 13%.
Theo VASEP, 8 tháng đầu năm nay, có 39 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thuỷ sản sang Nga. Trong đó, Công ty CP Nam Việt chiếm tỷ trọng lớn nhất 13% với sản phẩm thế mạnh là cá tra. Tiếp đến là Công ty CP XNK Thực phẩm Sài Gòn (12%), công ty TNHH Hải Vương (12%), Công ty TNHH MTV Thực phẩm Anh Long (8%) và Công ty CP Tập Đoàn Thủy sản Minh Phú (7%)…
Năm 2022 có thêm 6 doanh nghiệp được phép xuất khẩu thuỷ sản sang Nga, như vậy có hiện 54 doanh nghiệp được phép xuất khẩu sang thị trường Nga.
Theo ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nga, khi chiến sự Nga – Ukraine xảy ra, hệ thống ngân hàng Nga bị phong toả, đồng Rúp bị mất giá, nhưng Nga đã có những động thái phản ứng nhanh để giữ ổn định nguồn ngoại tệ.
Mặc dù bị lệnh trừng phạt kinh tế từ nhiều nước G7 nhưng hàng hoá tại thị trường Nga vẫn khá ổn định vì Nga vẫn còn nhiều đối tác khác, xuất khẩu hàng hoá của Nga ra thị trường thế giới vẫn tăng.
Năm 2021 thặng dư thương mại của Nga đạt khoảng 70 tỷ USD, năm nay thặng dư thương mại của Nga dự báo còn lớn hơn. Vấn đề thanh toán khi xuất khẩu sang Nga không còn là khó khăn và dư địa thị trường vẫn rộng lớn.
Theo ông Minh, vận tải hàng hoá từ Việt Nam sang Nga đã thuận lợi hơn. Hiện nay tập đoàn vận tải Nga đã mở tuyến vận tải thẳng TP Hồ Chí Minh - Hải Phòng - Vladivostok và đã có một số hãng tàu khác chạy tuyến mới, việc vận chuyển nhanh hơn, thời gian ngắn hơn. Ngoài ra có thêm hệ thống vận tải đường sắt hỗ trợ cho giao thương với Nga.
Với nhiều tín hiệu khá tích cực, xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Nga sẽ tiếp đà hồi phục trong những tháng cuối năm nay. Dự báo cả năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang Nga sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 16% đạt trên 190 triệu USD.
Minh Anh